Chúng ta thường lầm tưởng hạnh phúc là một điều gì quá là to lớn và mơ hồ, không thể chạm tới được. Tuy nhiên, mỗi người có một định nghĩa riêng về hạnh phúc trong cuộc sống của họ. Ta sẽ không có một khuôn mẫu nào nhất định để khẳng định mình có hạnh phúc không hay người khác có đang hạnh phúc không. Đôi khi nó lại đơn giản hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều. Điều bạn cần làm để trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn là đừng tự tạo áp lực ép bản thân phải trở nên hạnh phúc. Hạnh phúc không phải một vật hữu hình để ta cầm nắm và nâng niu được. Đó là một quá trình, là một chuyến du ngoạn. Trong chuyến đi đó, có những lúc bạn sẽ cảm thấy tăm tối, bạn phải rất nỗ lực để thấy được ánh sáng trong cuộc sống. Thấu hiểu được nỗi lòng của mỗi người, đang vận lộn để đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, Richard Nicholls đã gửi tặng chúng ta cuốn Cân Bằng Cảm Xúc Cả Lúc Bão Giông để chúng ta vững bước đi kiếm tìm hạnh phúc quanh ta.
Học cách trở nên hạnh phúc hơn
Làm thế nào để học cách trở nên hạnh phúc?
Trước tiên, chúng ta cần xem hạnh phúc thực sự là gì, và quan trọng hơn cả, những gì không được coi là hạnh phúc? Hạnh phúc có phần mang tính chủ quan: có người định nghĩa nó là sự kiêu hãnh, người khác lại xem nó là sự hài lòng. Nhưng theo định nghĩa chung, hạnh phúc đơn giản là sự kết hợp giữa tâm trạng vui vẻ trong ngày và cảm giác thỏa mãn của bạn với toàn bộ cuộc sống.
Ảnh hưởng lớn nhất tới trạng thái hạnh phúc chính là thái độ và suy nghĩ của bạn, lớn hơn rất nhiều so với kinh nghiệm sống. Kinh nghiệm sống dường như chỉ ảnh hưởng 10% tới mức độ hạnh phúc, 40% còn lại dựa vào cách chúng ta đương đầu với những kinh nghiệm sống đó. Bất kể những trải nghiệm ấy là tích cực hay tiêu cực, chúng cũng chỉ quyết định 10% tâm trạng của chúng ta.
Nếu bạn có giá trị hạnh phúc chuẩn thấp, tâm trạng bạn sẽ được đẩy lên cao sau khi thắng xổ số, nhưng nó không mãi mãi ở mức cao đó. Tất cả số tiền bạn sở hữu có thể mang lại cơ hội để bạn học cách đạt được hạnh phúc, nhưng bạn phải đón nhận cơ hội ấy. Từ bỏ công việc nghĩa là bạn có thể dành nhiều thời gian cho gia đình và theo đuổi những thứ bạn yêu thích. Từ đó, khả năng để bạn không bao giờ phải quay lại điểm chuẩn hạnh phúc ban đầu cũng tăng lên. Nhưng chỉ khi bạn biết điều gì khiến mình hạnh phúc, bởi hạnh phúc có thể chẳng phải là nhà lớn hay xe nhanh.
Nếu bạn có điểm chuẩn hạnh phúc cao, mức độ hạnh phúc của bạn sẽ tụt xuống do bị cưa chân sau vụ tai nạn xe hơi. Nhưng nếu tất cả những gì bạn làm sau đó chỉ là ngồi một chỗ, thương hại chính mình, có khả năng bạn sẽ không bao giờ quay lại điểm chuẩn hạnh phúc ban đầu nữa. Trong khi nếu bạn thừa nhận khuyết tật của bản thân và sống trọn vẹn cuộc đời bất chấp mọi thứ, bạn chỉ mất một năm điều chỉnh để có thể trở lại hạnh phúc như xưa.
Sự lạc quan
Cũng giống như việc một người bị bệnh tim di truyền cần giữ sức khỏe bằng cách ăn uống điều độ và luyện tập thường xuyên, người có điểm chuẩn hạnh phúc thấp có thể phát triển thái độ và hành vi để hạnh phúc như người có điểm chuẩn hạnh phúc cao. Để trở thành một người lạc quan hơn, hãy tự hỏi bản thân câu này: Bạn kiểm soát số mệnh của mình, hay số mệnh mới là thứ kiểm soát bạn?
Những người có điểm kiểm soát ngoại giới có xu hướng tin rằng hành vi của họ không gây quá nhiều ảnh hưởng và nhìn chung, bất cứ phần thưởng nào trong đời đều nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Họ ít khi tranh đấu để được thăng cấp vì tin rằng ứng viên thành công đã được lựa từ trước, họ cũng ít khi tham gia bầu cử vì cảm thấy phiếu bầu của mình sẽ không ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc.
Những người có điểm kiểm soát nội giới tin rằng vận may hay tình cờ không đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định những chuyện xảy đến trong đời họ, và họ thường là những người sống hạnh phúc hơn. Họ ít khi cảm thấy bản thân mình là nạn nhân, và thường học được nhiều điều từ những sai lầm. Họ thường là những người lạc quan hơn bởi họ có thể dễ dàng tưởng tượng ra kết quả mong muốn, hoặc những bước cần thực hiện.
Nếu bạn thấy bản thân mình thảm hại, hãy tự hỏi “Rồi sao?”. Ví dụ, nếu bạn không ngừng nghi ngờ năng lực làm việc của mình và lo sẽ bị nhắc nhở, hãy tự hỏi “Rồi sao?”. Có thể tiếp theo sẽ là những khóa học mà Nhân sự sắp xếp cho bạn. Nhưng cũng có thể nỗi lo lắng trong bạn sẽ ngày một tăng lên, lòng tự tin giảm xuống và cuối cùng là một lời cảnh cáo bằng văn bản.
Hãy tìm ra những cái “nhưng”, sau đó tranh luận với chính mình. Rất nhiều “phần” tính cách trong ta tham gia vào cuộc hội thoại nội tâm, một phần muốn làm việc này, một phần muốn làm việc khác. Nếu cần, hãy biến chúng thành một đoạn hội thoại, và hãy bắt đầu khích lệ bản thân mình. Đôi khi, để trở thành người lạc quan, bạn sẽ phải lắng nghe những điều bi quan trong chính mình. Con người bi quan chỉ đang cố bảo vệ bạn khỏi tổn thương và thất vọng, nhưng sẽ luôn có những cách nghĩ khác về cùng một tình huống. Hãy tìm chứng cứ chống lại con người bi quan trong nội tâm bạn, ban đầu bạn sẽ có cảm giác giả tạo, nhưng dần dần nó sẽ trở thành thói quen. Lặp đi lặp lại nhiều lần và bạn sẽ cảm thấy dễ suy nghĩ tích cực hơn. Nó sẽ ăn sâu vào trong tính cách, và con người thực tế lạc quan sẽ chi phối giọng nói trong đầu bạn. Nếu con người bi quan tồn tại mạnh mẽ, hãy nhớ lấy một điều: làm một người bi quan chẳng có ích gì hết, dù thế nào cũng không giúp gì được cho bạn.
Tâm lý đồng tiền
“Liệu nhiều tiền có khiến bạn hạnh phúc hơn không?”
Về mặt tri thức, ta hiểu rằng nhiều tiền không chắc sẽ mang lại cuộc sống hạnh phúc hơn. Thế nhưng, phần lớn vẫn mang cảm giác mình chính là ngoại lệ so với nguyên tắc trên.
Lý do chính dẫn đến điều này là do trong hầu hết các nền văn hóa, đồng tiền đã dần dần thay thế mọi thứ biểu thị cho sự an toàn từ thời nguyên thủy. Con người không phải lo lắng xem năm nay mùa màng ở những cánh đồng trũng có bội thu hay không vì chúng ta có thể nhanh chóng ghé qua siêu thị mua một hộp mì. Thay vào đó, bản năng bên trong thúc giục chúng ta hướng đến những giá trị khác để đảm bảo sự an toàn, hay mở rộng hơn, khiến chúng ta hạnh phúc.
Dường như những suy nghĩ về tiền đã đặt bạn vào một khung suy nghĩ, ở đó bạn không muốn phụ thuộc vào người khác, cũng không muốn người khác phụ thuộc vào mình. Điều này dễ dẫn tới tình trạng cách ly hoặc cảm giác cô độc - không phải một công thức hữu hiệu để trở nên hạnh phúc. Thế nhưng, có người lại nói khung suy nghĩ ấy có thể giúp họ tự lực và thúc đẩy họ nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu. Vậy nên, có lẽ chúng ta chỉ cần tìm một điểm trung gian, đủ độc lập nhưng không quá ích kỷ.
Chắc chắn tôi không nói tiền không đem lại hạnh phúc. Nó hoàn toàn có thể. Sở hữu nhiều tiền hơn đồng nghĩa với việc bạn có sức khỏe tốt hơn, có thể dành nhiều thời gian cho gia đình hơn và cảm giác tự kiểm soát cuộc đời mạnh mẽ hơn, đây chính là công thức cho hạnh phúc thực sự.
Đây là hai viễn cảnh để bạn suy ngẫm:
Tiền lương của bạn vẫn giữ nguyên và thời gian bạn đi từ nhà đến nơi làm mất 15 phút.
Bạn được đề nghị tăng 25% lương, nhưng thời gian đi từ nhà đến nơi làm mất tận một tiếng.
Liệu 90 phút di chuyển đến nơi làm mỗi ngày trong viễn cảnh số hai có đáng để đổi lấy 25% tiền lương? Hay nói theo cách khác, 90 phút rảnh rang trong viễn cảnh số một có xứng với tiền lương thấp?
Mỗi người đều có những trường hợp rất riêng, nhưng các bài nghiên cứu đã chỉ ra rằng để đạt được cùng một mức độ thỏa mãn cuộc sống, một người dành một tiếng để đến được chỗ làm phải kiếm tiền nhiều hơn 40% so với người chỉ mất một đoạn ngắn là tới nơi.
Vậy nhiều tiền hơn có khiến chúng ta hạnh phúc? Thật khó chịu, câu trả lời là vừa đúng vừa sai. Chúng ta cần kiếm đủ tiền để trang trải cho những nhu cầu căn bản, nhưng tiền lương cao hơn không có nghĩa là hạnh phúc hơn.
Mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc phức tạp vô cùng. Có lẽ chúng ta nên chuyển từ tập trung xem mình kiếm được bao nhiêu sang tập trung vào việc chúng ta chi tiêu số tiền đó thế nào.
4. Hãy tập biết ơn, trân trọng những người quan trọng luôn bên cạnh bạn.
Lòng biết ơn không chỉ là một hành vi, không chỉ là một câu nói “Cảm ơn” khi ai đó giữ cửa giúp bạn. Cũng giống như một quá trình, lòng biết ơn là sự ghi nhận những điều tốt đẹp trong đời. Nhưng nó còn là một loại cảm xúc, là cảm giác hạnh phúc bắt nguồn từ việc trân trọng một điều tốt đẹp nào đó.
Khi cảm xúc được lan tỏa suốt một ngày, nó sẽ trở thành tâm trạng. Và khi bạn mang tâm trạng. Và khi bạn mang tâm trạng biết ơn, bạn sẽ tìm thêm lý do để cảm thấy biết ơn trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khi tâm trạng ấy trở thành một điều hiển nhiên trong cuộc đời bạn, nó sẽ là một nét tính cách dẫn tới một phiên bản hạnh phúc hơn của chính bạn.
Tôi biết khi nói bí quyết dẫn đến hạnh phúc là lòng biết ơn, bạn sẽ không cảm thấy thuyết phục. Cứ như thể tất cả những gì chúng ta cần làm là mang cái dáng vẻ trầm ngâm ưu tư ra đường và khen ngợi những bông hoa hôm nay nở thật đẹp, giống như một tên lập dị những năm 1960.
Nhưng chẳng phải vẫn còn khoảng trung gian sao? Vị trí cân bằng giữa việc trở thành một tên lập dị vừa nhảy múa vừa hít hà hương hoa và một người cục cằn không bao giờ trân trọng điều gì và luôn tự xem mình là nạn nhân. Ta không nhất thiết phải chạm tới điểm cực hạn của lòng biết ơn để sống một cuộc đời hạnh phúc, rõ ràng nếu làm được vậy thì cuộc đời hẳn sẽ diệu kỳ biết bao, nhưng như thế có phần không thực tế. Khi đề ra mục tiêu, có một điều mà mọi người đều đồng ý chính là những mục tiêu không thực tế sẽ ngăn bạn khỏi việc bắt tay thực hiện.
Vậy nên, thay vì nhắm tới việc tìm ra niềm vui vô bờ bến trong mọi việc mình làm, hãy bắt đầu bằng việc loại bỏ thái độ vô ơn trước, để xem nó sẽ dẫn bạn tới đâu.
5. Đặt bản thân mình lên trên hết
Chúng ta ngoan ngoãn phục tùng, chúng ta muốn được mọi người yêu mến. Nhưng mọi việc có thể đi quá xa nếu chúng ta tiếp tục bị lợi dụng. Nó sẽ hủy hoại lòng tự trọng và niềm tin vào chính mình. Người khác nghĩ bạn dễ dãi chỉ là chuyện nhỏ, nhưng chuyện lớn là dần dần, chính bạn cũng nghĩ mình dễ dãi, mình chỉ là một kẻ yếu đuối. Bạn không chỉ trở nên căm phẫn với mọi người, mà còn chán ghét chính bản thân mình! Rõ ràng không phải bạn đã như thế từ khi sinh ra - ai sinh ra cũng chỉ như một tờ giấy trắng. Vậy trong quá trình lớn lên điều gì đã khiến chúng ta bị lợi dụng?
Đối với hầu hết bệnh nhân của tôi, đó dường như là cách trốn tránh nỗi đau về mặt cảm xúc. Chúng ta so sánh nỗi đau khi phải tuân theo sai bảo với nỗi đau khi bị xem là kẻ vô dụng, và thái độ ngoan ngoãn phục tùng đã chiến thắng. Nhưng, để tuân theo một mệnh lệnh, chúng ta thường cường điệu hóa sự tiêu cực trong việc từ chối bằng cách đưa ra những giả thiết rằng đối phương sẽ nghĩ bạn không thân thiện hoặc không đáng tin cậy.
Trong hầu hết các vấn đề mà bệnh nhân của tôi trình bày, thường có một hoặc một nhóm các sự kiện tiền đề gây ra nỗi sợ hãi. Não bộ đã học được rằng nếu gặp phải tình huống tương tự, bạn phải đảm bảo an toàn cho chính mình, do đó nó sẽ kích hoạt cảm giác lo lắng. Tại sao những lo lắng khi nói lời từ chối? Thực sự họ lo lắng vì ai? Liệu có phải vì người đang đứng cạnh bàn giao thêm việc cho bạn? Hay do các mạch máu não được kết nối theo cách giống với lúc bạn đối diện với kẻ bắt nạt ở trường? Hoặc thậm chí kẻ bắt nạt tại gia? Hoặc thời điểm khởi đầu của sự nghiệp?
Có việc gì bạn làm mỗi ngày khiến bạn cảm thấy mình không đáng giá? Có lẽ bạn nên ngừng so sánh mình với người khác. Mạng xã hội chịu trách nhiệm rất lớn cho thói quen này. Chúng ta không thể đọc được suy nghĩ, cho nên ta không thực sự biết ai đó hạnh phúc thế nào với cuộc sống, và việc nhìn lướt qua Facebook rồi cho rằng những người khác đều hạnh phúc hơn, giàu có và nổi tiếng hơn bạn cũng giống như việc dựng lên một thế giới giả tưởng trong đầu bạn.
Những gì người khác cho bạn thấy về cuộc sống này của họ thường được chọn lọc rất kỹ. Bạn chỉ thấy được những gì họ muốn bạn thấy.
Ở thời đại mới, mỗi người lại có cách nhìn nhận lòng tự trọng khác nhau. Có người nói họ đánh giá chính bản thân mình dựa trên số tiền họ kiếm được, người khác nói họ dựa vào ngoại hình, cũng có người lại dựa vào độ nổi tiếng.
Những người hạnh phúc thường nói tất cả những điều trên sẽ chẳng thay đổi được lòng tự trọng, và họ đánh giá bản thân dựa trên việc có hoàn thành được những mục tiêu trong cuộc sống hay không. Dù mục tiêu đó có khi chỉ là đọc được những cuốn sách hay hoặc xem những bộ phim chất lượng.
Vậy nên nếu có người nhìn nhận lòng tự trọng khác bạn và cố gắng biến bản thân mình trở nên tốt đẹp hơn thông qua việc xây dựng cuộc sống hoàn mỹ trên Facebook, đừng tin những gì họ nói!
6. Các mối quan hệ xã hội
So với kích thước cơ thể, con người có bộ não lớn nhất trong vương quốc động vật. Nhờ có quá trình tiến hóa, kích thước của não bộ chỉ tăng lên khi kích thước các bộ phận còn lại trên cơ thể cũng tăng lên, thế nhưng quy tắc này không áp dụng với loài người. Lạ kỳ ở chỗ bộ não của chúng ta lớn hơn rất nhiều so với kích thước mà nó nên có.
Sống trong cùng một xã hội, chúng ta bắt đầu biết cảm thông, nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của người khác và cân nhắc đến mọi người khi đưa ra quyết định. Quá trình lựa chọn tự nhiên đề cao những giá trị trên, vì thế chúng đã trở thành nhân tố vượt trội trong quá trình tiến hóa của loài người. Và rất nhiều năm sau, đến tận bây giờ, chúng ta vẫn sở hữu bản năng hợp tác với nhau. Nhưng đó là những bản năng chúng ta có thể bỏ nhau nếu muốn. Ta có thể lựa chọn ngồi nhà một mình, không gặp ai và vẫn là những người hạnh phúc.
Và một biện pháp mạnh, tác giả muốn đề cập tới mỗi chúng ta: Giải độc mạng xã hội
Nếu bạn cảm thấy có phần phụ thuộc vào mạng xã hội để cảm thấy được kết nối với thế giới bên ngoài, bạn nên cân nhắc tới việc thoát ra khỏi nó. Hãy áp dụng một trong những “cấp độ” sau:
Cấp độ 1: Chỉ sử dụng mạng xã hội ngoài giờ làm việc
Cấp độ 2: Có ý thức hạn chế tần suất sử dụng Facebook ngoài giờ làm việc
Cấp độ 3: Gia tăng giới hạn bằng cách không sử dụng mạng xã hội ba buổi tối một tuần.
Cấp độ 4: Phớt lờ là một niềm hạnh phúc.
Hãy tạo lập một thói quen liên lạc với những người bạn yêu mến và quan tâm tới họ một cách thực sự. Gọi điện cho họ, để lại tin nhắn thoại nếu họ bận để họ có thể nghe được giọng nói của bạn. Bạn sẽ nhận ra họ nhớ giọng nói của bạn nhiều như cách bạn nhớ họ, và nghe giọng nói của bạn, dù chỉ là một tin nhắn thoại, sẽ khiến hai bạn cảm thấy gần nhau hơn.
Cách bạn đối diện với cuộc đời này quyết định rất lớn tới chính tương lai của bạn. Bạn có thể sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, nhưng đôi khi lại chùn bước vì sợ những vấp ngã phía trước quá đau đớn để bạn phải đối diện. Nhưng sau này bạn sẽ không phải hối hận vì những gì mình đã làm, đã thực hiện. Người ta chỉ hối hận vì họ đã không dám làm, không dám mạnh mẽ đối diện với chính cuộc sống của mình. Bạn sẽ không thể bắn trúng đích nếu cứ giữ mãi cung mà không hướng đến điểm đến để bắn viên đạn đi.
Review chi tiết bởi: Vi Vi - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Đây là 1 cuốn sách viết về hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của cuốn sách là nó được viết bởi 1 nhà trị liệu tâm lí nên với mỗi luận điểm sẽ kèm theo các nghiên cứu các số liệu khiến người đọc không thể không gật gù. Và 1 điểm khác biệt nữa là cuốn sách cho ta thấy 1 góc nhìn rất khác về cuộc sống rằng ta sinh ra đã hạnh phúc, sẽ có 1 vài trở ngại, bất an, lo lắng hay giận dữ nhưng rồi ta cũng sẽ trở về với hạnh phúc của mình.
1 điểm siêu hay khác của cuốn sách này là đưa ra các bài tập nhỏ đến người đọc. Đúng với thông điệp cuốn sách truyền tải, hạnh phúc thì cần nỗ lực kiếm tìm, không nỗ lực nào là dễ dàng, vì vậy cần bắt đầu từ những bước nhỏ nhất, nhích từng chút một còn hơn dậm chân tại chỗ.
Nhìn chung, như rất nhiều cuốn sách khác viết về hạnh phúc, cuốn sách này truyền tải đến ta những thông điệp sau:
- Tiền chỉ làm gia tăng hạnh phúc đến 1 mức nhất định, trải nghiệm mới là thứ khiến ta hạnh phúc.
- Có thái độ biết ơn với cuộc sống, trân trọng những thứ mà ta có.
- Cần tôn trọng ý kiến người khác nhưng cũng cần tôn trọng chính mình đồng thời cũng phải biết chấp nhận những điều tiêu cực trong cuộc sống.
- Tập thể dục, mở rộng mối quan hệ ,...
Và để làm được những điều trên ta cần:
- Luyện tập hít thở
- Tránh xa mạng xã hội
- Viết nhật kí
- Loại bỏ những nhãn dán tiêu cực, dán lên mình những nhãn tích cực
- Tập bắt chuyện với người lạ