Chúng ta thường háo hức kể về những kế hoạch được vạch ra một cách hoàn hảo, chỉn chu, đầy đủ về một câu chuyện tương lai. Tuy nhiên, những thành quả đó chỉ ở trong trí tưởng tượng phong phú của bạn, rất ít người có thể duy trì để đạt được những gì họ đã lên kế hoạch. Chúng ta sẽ vẫn mãi trì hoãn, vẫn mãi chìm trong “ngày mai” để rồi mọi thứ dần trôi vào dĩ vãng, con người dần thất vọng vào bản thân và bị chôn vùi trong thực tại tàn khốc. Không có thời điểm nào thích hợp bằng ngày hôm nay để từng bước hoàn thành dự định của mình. Những chia sẻ quý báu của Rosie Nguyễn trong cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu có thể là động lực, là sự thật tàn khốc buộc chúng ta phải đứng lên hoàn thành sứ mệnh của tuổi trẻ, để không lãng phí tuổi thanh xuân đầy hoài bão. 

*Giới thiệu về tác giả:

Rosie Nguyễn là một tác giả sách, blogger, facebooker về văn hóa du lịch. Cô được biết tới với hai cuốn sách nổi tiếng về mảng du lịch có Ta ba lô trên đất ÁTuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? nói về những kinh nghiệm, trải nghiệm khi bước qua tuổi 20 quý giá của cô. Cả hai cuốn sách của cô đều được đông đảo độc giả tìm đọc, và đã trở thành cảm hứng khám phá, học tập và trải nghiệm của rất nhiều bạn trẻ. Cuốn sách được viết bằng lời văn giản dị, nhẹ nhàng, không quá cầu kỳ để phù hợp với các bạn trẻ và gần gũi như những lời tâm sự, thủ thỉ để dễ dàng tiếp cận, gắn bó và thấu hiểu tuổi đôi mươi sôi nổi, nhiệt huyết. 

*Giới thiệu về cuốn sách: 

“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” dường như là một cây kim chỉ nam dành cho giới trẻ. Cuốn sách được chia rõ ràng với 5 phần khác nhau, rõ ràng, xúc tích, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ “áp dụng” vào chính cuộc đời của mỗi người. Cuốn sách này là những câu chuyện của một người đã từng trải qua tuổi trẻ với nhiều thăng trầm, rút ra được những bài học quý giá cho bản thân, qua những hành trình nỗ lực rèn luyện bản thân, học tập, du lịch, học hỏi và cống hiến. Chắc chắn nó sẽ có ích cho các bạn trẻ hiện nay, trở nên hạnh phúc hơn, vui vẻ và vững tin tiến lên phía trước, nỗ lực hết mình để không phí hoài tuổi trẻ.

Phần 1: Tôi đã học như thế nào? 

Ai đã từng trải qua rồi mới biết tuổi trẻ trôi qua nhanh như thế nào. Bạn chỉ cần lơ là ngày hôm nay, trì hoãn tới ngày mai, là bạn đã trở thành một “người già”, một người chậm hiểu vì thế giới ngày càng phát triển. Điều đáng quý nhất của một tuổi trẻ chính là thời gian. Thời gian có thể làm được tất cả, nó là của mọi người, nhưng không phải ai cũng biết sử dụng nó vào đúng mục đích và có ý nghĩa. Bạn hãy thực hiện 7 điều sau, khi còn có thể: 

  1. Đầu tư cho sức khỏe:

Bạn có thể chơi bất kì một môn thể thao nào để khiến bản thân hoạt động, khiến cơ thể được khỏe mạnh ngay ngày hôm nay. Chạy bộ, bơi lội, bóng bàn, võ thuật, yoga, đạp xe… Mỗi ngày bạn có tới 24 giờ, bạn chỉ cần dành ra một khoảng thời gian nhỏ, chọn bất cứ bộ môn nào mình thích để duy trì hàng ngày. Việc tập luyện thể lực, trước hết là đem lại cho ta một sức khỏe tốt, một trái tim khỏe mạnh, giúp tinh thần hưng phấn, đào thải chất độc bị hấp thụ từ môi trường ô nhiễm và thực phẩm độc hại.

  1. Đọc sách:

Phần lớn tri thức nhân loại đều nằm trong sách. Sách khiến con người thay đổi cuộc đời. Những lúc tinh thần đi xuống, không muốn làm gì, tốt nhất bạn hãy kiếm một cuốn sách rồi nghiền ngẫm nó. Vì sách không những nâng cao kiến thức mà còn tạo động lực thúc đẩy ta có những hành động tốt hơn, đẹp hơn và ý nghĩa hơn. Nếu không có điều kiện mua sách giấy, thì hãy lên mạng tìm các trang web đọc ebook miễn phí. Chỉ cần một tuần đọc một quyển sách. Một năm nhìn lại, thấy kiến thức của mình đã dày thêm vài phần.

  1. Học trực tuyến trên mạng:

Một số trang web có những khóa học, kiến thức đa dạng về xã hội free: 

MOOC - khóa học trực tuyến đại trà: đa dạng đề tài như nghệ thuật, lịch sử, thuật lãnh đạo, kinh tế, kinh doanh, cách dạy tiếng Anh, thiết kế, lập trình, thiên văn học, vũ trụ…1 số trang nổi bật như: www.coursera.org, www.khanacademy.org các bạn có thể truy cập. Với MOOC, người dùng từ khắp nơi trên thế giới có thể trau dồi kiến thức và thỏa mãn niềm đam mê học hỏi mà không phân biệt giới tính, độ tuổi, địa điểm và trình độ nào.

  1. Cho dân du lịch bụi ở nhờ và mình cũng trải nghiệm du lịch bụi.

Bạn có thể tìm hiểu kỹ càng trước khi cho dân du lịch bụi để cảm thấy an toàn khi cho họ ở trong nhà mình. Và bạn có thể chủ động đăng thông tin của bản thân, ngôi nhà của mình lên một số trang như www.couchsurfing.com, www.hospitalityclub.org ...để kết nối người du lịch và người bản xứ. Và chính bạn, không cần dành quá nhiều thời gian và tiền bạc cho một chuyến đi xa đắt đỏ. Bạn có thể rời khỏi thành phố nghẹt bụi để tìm đến cánh đồng lúa bao la, mùi rơm rạ phảng phất, mùi hoa màu tươi tốt, đàn chim đàn cò vỗ cánh bay lượn trên bầu trời, trẻ con túm năm tụm ba hò hét chơi đùa trên đồng. Chìa khóa của du lịch bụi không phải là trong túi bạn có bao nhiêu tiền, mà là trong lòng bạn có bao nhiêu can đảm. Can đảm để bước ra khỏi vùng an toàn của mình, can đảm để làm nhiều điều mới mẻ hơn. 

  1. Làm hướng dẫn viên du lịch hoặc tham gia hoạt động thiện nguyện.

Bạn có thể không có bằng cấp về hướng dẫn viên du lịch, không cần là sinh viên của trường đào tạo thì bạn mới có thể làm hướng dẫn viên. Chỉ cần bạn có lòng nhiệt huyết, sự quyết tâm, tinh thần ham học hỏi và nỗ lực hết mình thoát khỏi “cái kén” của bản thân, thì có rất nhiều tổ chức mở rộng vòng tay đón bạn vào với họ. Khi đó bạn vừa có thể những kinh nghiệm, vừa có những chuyến đi vui vẻ bổ ích và có một ít thu nhập để trang trải cuộc sống. Bạn có thể tham khảo một số câu lạc bộ, tổ chức: www.triip.me, XO Tours, Back of the Bike Tours, Vietnam Vespa Adventures Day Tours, Saigon on Bikes, Hanoikids Tour….

Những người trẻ hay tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, từ thiện nguyện đều là những người dễ tương tác, có kỹ năng tốt, thường xuyên thể hiện lòng biết ơn, tin yêu vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đó là những gì mà tác giả nhìn thấy và cảm nhận được. Một số tổ chức phi chính phủ như: AIESEC, Operation Smile, LIN, Oxfam...

  1. Tự học các môn nghệ thuật: 

Các môn nghệ thuật giúp cho cuộc sống tinh thần của ta thêm phong phú và vững chãi, tăng thêm trí thông minh và khiến cuộc sống con người trọn vẹn đầy đủ hơn. Đến một lúc nào đó trong đời, bạn sẽ thấy nghệ thuật là một phần lớn của cuộc sống, và sẽ thấy thật may mắn là bạn đã không bỏ lỡ niềm vui đó. 

    7. Dành thời gian cho những hoạt động tinh thần:
Những phát triển bên ngoài của bạn không thể nào lâu dài và bền vững được như bên trong - sự kết nối phần tâm hồn của con người. Tuổi trẻ có những điều muốn làm mà không biết cách làm sao cho đúng, còn khi già có những điều biết làm nhưng không muốn làm. Tuổi trẻ còn nhiều thời gian, còn nhiều sức lực để ta có thể thử, có thể dám làm dám chịu trách nhiệm và dám sửa sai. Nếu chịu khó rèn luyện bản thân, ta sẽ tự tin vững bước ra biển lớn, dám vùng vẫy và thể hiện bản thân, tiếng nói riêng của mình. Trước khi làm được những điều lớn lao, ở tuổi đôi mươi chính là thời điểm tốt nhất để tìm hiểu về các hoạt động tinh thần, tìm kiếm chỗ dựa vững chắc về tâm linh để không bị khủng hoảng niềm tin sau này.

Đọc sách như thế nào?

Mỗi năm bạn cần đọc ít nhất 50 quyển sách. Bạn có thể chia nhỏ ra, mỗi tuần đọc một quyển. Sách có nội dung tốt độ dày trung bình thường khoảng 200 - 300 trang. Tức là mỗi ngày chỉ cần đọc 40 - 50 trang sách. Chúng ta nên cân bằng giữa sách hư cấu và phi hư cấu. Tránh xa những thể loại tiểu thuyết diễm tình để không khiến bản thân trở nên hoang tưởng, gây tâm lý ủy mị hoang đường, xa vời thực tế. Chúng ta có thể chọn cách review lại chính những cuốn sách mình để đọc trên trang Goodreads để tổng hợp lại những gì đã đọc và một lần nữa nhớ sâu về cuốn sách đó. Hoặc không ta có thể đặt một quyển sổ nhỏ bên cạnh để ghi chép lại những ý quan trọng, câu văn hay của tác giả. 


9 điều đơn giản giúp tôi sống tốt hơn:

  • Nói không với ti vi: việc xem tivi quá nhiều sẽ làm chậm đi hoạt động của não bộ và làm giảm mức độ thỏa mãn trong cuộc sống.

  • Đi ngủ trước nửa đêm: Không có điều gì tốt lành xảy ra sau nửa đêm, cả bên ngoài lẫn bên trong cơ thể. Lúc đó, đầu óc con người đã mụ mẫm và thân thể đã đờ đẫn, hoạt động không còn được sáng suốt, mà lại dễ nảy sinh những suy nghĩ u tối. 

  • Thức dậy lúc bình minh: nếu dậy sớm hơn 30 phút mỗi ngày, thì một tuần bạn có thêm gần bốn giờ trống để đầu tư cho bản thân. Ta không bao giờ thiếu thời gian để làm điều mình thích. 

  • Bớt đọc báo và tạp chí: Thay vì ngồi đọc những bài báo lá cải, giật gân thì bạn có thể đọc blog của những người thành công, nổi tiếng hay các chuyên gia thường chia sẻ nhiều bí kíp, kỹ năng hoặc những thông tin có giá trị, dưới góc nhìn, quan điểm và kiến thức chuyên sâu mà họ có. 

  • Tận dụng thời gian di chuyển: Chúng ta có thể tranh thủ những giờ đồng hồ rảnh rỗi khi di chuyển để nghe podcast. Mình có thể lên mạng tải những podcast về chủ đề mà mình quan tâm để học được ngoại ngữ, quan tâm đến thế giới, học những điều mới mẻ từ mọi thứ xung quanh.

  • Tránh xa những thứ có hại cho sức khỏe: Chúng ta có thể dần dần loại bỏ những món ăn, đồ uống gây hại cho sức khỏe thay vào đó là uống nước lọc, ăn nhiều rau xanh và những món ăn bổ dưỡng để nuôi dưỡng cơ thể. Nếu không quan tâm chăm sóc đến cơ thể, làm sao ta có thể sống một cuộc đời vui tươi hạnh phúc và hoàn thành những gì mình mơ ước?

  • Luôn mang theo một quyển sách bên mình: Bạn có thể tranh thủ bất cứ lúc nào mà bản thân rảnh rỗi, thay vì ngồi lướt điện thoại xem những điều vô bổ. Thì ta có thể tận dụng một khoảng thời gian ngắn để nạp kiến thức từ cuốn sách đó vào trí não của mình ngay khi có thể. Luôn đem theo một quyển sách chính là thói quen của người thành đạt. 

  • Không sa đà vào trò chơi điện tử: Những trò chơi đó có thể khiến chúng ta rơi vào nghiện ngập bất cứ lúc nào nếu bản thân không tự biết kiểm soát chính mình. Nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của bạn, chiếm phần lớn thời gian và tình yêu bạn dành cho cuộc sống tươi đẹp ngoài kia. 

  • Chia sẻ thông tin: Những chia sẻ của bạn trên blog, Facebook, Instagram...ngày hôm nay có thể là điều rất bổ ích đối với những người bạn trên mạng xã hội. Nhiều người chia sẻ với nhau, mọi người cùng nhau tiến bộ.

Giá trị của nghịch cảnh:

Nếu bạn đang phải vật lộn với cuộc sống, đang phải đấu tranh với những khó khăn trong đời, thì hãy cảm ơn Thượng đế vì món quà của Người...Vì với những kinh nghiệm của mình, và kinh nghiệm của tất cả những người đã đi trước chúng ta, tôi biết rằng quãng đường gian khó không mãi kéo dài. Những khó khăn giúp làm nên câu chuyện của bạn. 


Phần 2: Học đi đôi với hành

Vòng tròn tỏa sáng:

Nếu không hành động, thì ta không thể nào có được cuộc sống viên mãn theo đúng khả năng của mình. Nếu không nỗ lực, thì những tố chất bên trong mỗi người chúng ta sẽ không thể nào hé lộ, mãi mãi tiềm ẩn phí hoài. Nuôi dưỡng ngôi sao trong mình, vun trồng những tiềm năng tố chất. Để một ngày nào đó, tỏa sáng rực rỡ. 

Công thức để phát triển triệt để năng lực của một người: 

Thế mạnh/Năng lực = Tài năng x Đầu tư

Phương pháp để phát triển tài năng của mỗi người: 

  • Loại bỏ những nguyên nhân ngăn cản việc phát triển tiềm năng 

  • Tiếp cận với những công cụ, cách thức để năng cao khả năng của mình.

  • Cam kết cá nhân, sự nỗ lực và kiên trì trong quá trình luyện tập để phát huy tối đa tiềm năng

Em không tự cứu thì ai cứu em:

Nguyên tắc thành công: sống thế chủ động. Cần gì thì lên tiếng kêu. Muốn gì thì lên tiếng đấu tranh đòi quyền. Kiến thức do chủ động nắm bắt ôn luyện. Thành tựu nhờ kết quả dày công lao động. Chẳng có cái gì ở trên đời này tự nhiên mà có. Chủ động trèo lái thì mới có cơ may đưa con thuyền cuộc đời cập bến bờ mơ ước. 

Sống ở thế chủ động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình, chủ động cứu giúp mình. 

Tìm kiếm bộ lạc của bạn:

Mỗi bộ lạc có một văn hóa riêng. Phần lớn tùy thuộc vào người dẫn đầu. Hãy tìm kiếm bộ lạc có nền văn hóa, phong cách, giá trị sống mà bạn hướng tới. Đặc biệt là những nơi được dẫn dắt bởi những người lãnh đạo có tâm có tầm, người mà bạn thật sự quý mến và mong muốn trở thành trong tương lai. Vì bạn sẽ học được rất nhiều từ những người như vậy. 

Tuổi trẻ đã qua không bao giờ trở lại:

Hãy chuẩn bị 5 điều trước khi chuyển hướng để sống cuộc đời mà bạn mơ ước:

  • Mài giũa khả năng

  • Chuẩn bị hành chính

  • Mạng lưới hỗ trợ

  • Kỷ luật làm việc

  • Kế hoạch phòng bị

Phần 3: Đi là một cách tự học

Chắp cánh cho con: 

Bố mẹ thường có những suy nghĩ lạc hậu, lo trước tính sau, bao bọc con cái thái quá. Họ ảnh hưởng đến việc lựa chọn học hành, lựa chọn nghề nghiệp, lên những đứa con của mình và lên mối quan hệ giữa họ và con cái. Họ không chịu buông tay. Và đứa con của họ, hoặc bùng nổ ngông nghênh, hoặc héo mòn khép kín. 

Ai rồi cũng sẽ có những chuyến đi riêng cho mình. Tôi không muốn con mình sống cả đời vì tôi, theo ý muốn của tôi. Tôi không muốn nó bắt đầu chuyến đi riêng của nó lúc năm mươi sáu mươi tuổi, ngỡ ngàng trông thấy có quá nhiều nơi đẹp đẽ trên thế gian này mà nó chưa từng biết, thảng thốt nhận ra nó đã già, và oán trách cha mẹ vì đã nhốt nó trong một chiếc lồng quá chật. 

Fish don’t care:

Không ai thật sự quan tâm người khác sống sao, như thế nào. Người ta có thể lời ra tiếng vào lúc bạn bày tỏ ý kiến, ý định cá nhân. Nhưng về cơ bản họ chẳng quan tâm nếu bạn có làm điều đó hay không. Họ còn mải lo cho cuộc sống của họ. 

Hãy làm những điều mình thích. Hãy đi theo tiếng gọi của trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống. Nếu làm gì đó không được chuẩn bị kỹ càng, bạn sẽ phải trả giá. Thời gian, tiền bạc, sức khỏe, thậm chí là cả sinh mạng. Quyết định là ở bên. Nên trách nhiệm cũng là do bạn chịu. Nếu bạn không muốn hối tiếc vì không nắm bắt lấy cơ hội nào đó. Nếu bạn không muốn trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét. Nếu bạn không muốn chết mòn ở một xó nào đó...Thì bạn hãy lựa chọn làm những điều mình muốn. Đi thật nhiều, học thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều và sau tất cả bạn sẽ không phí hoài tuổi trẻ một cách vô nghĩa. 


Ai bảo đi là sướng?

Chỉ khi đã ở những năm gần cuối lứa tuổi đôi mươi, tôi mới nhận ra bằng cách tốt nhất để trải qua tuổi trẻ của mình là học thật nhiều, làm thật nhiều, đi thật nhiều, gặp gỡ thật nhiều người và chứng kiến nhiều điều. Phấn đấu dấn thân xông pha trải nghiệm là cách rất tốt để xây dựng nền tảng tiền đề cho tương lai.

Trải nghiệm khiến cho ta tìm được chính mình, xây dựng tính cách riêng, hoàn thiện để trở thành người ta mong muốn. Trải nghiệm giúp ta tự tin hơn qua từng chặng đường, giúp ta dám đương đầu với khó khăn trong đời. Có những ngày tháng mông lung vô định về chính tương lai mình sau này, nhưng bước qua được nó rồi ta sẽ học được cách giữ cho mình bình an và vững chãi trước những vòng xoáy biến đổi bất định của cuộc đời.

Phần 4: Lấp lánh trước khi tỏa sáng

Khi đã may mắn tìm thấy ước mơ:

Con đường theo đuổi ước mơ không bao giờ là an toàn và màu hồng như chúng ta tưởng tượng. Đôi khi ta buộc phải chấp nhận đi đường vòng, làm việc mình không thích để nuôi dưỡng ước mơ. Đôi khi ta phải đứng lên chống lại định kiến xã hội, những lời chỉ trích, cấm cản của người thân để đi theo con đường đó. Nhiều khi ta phải đối mặt với cô đơn, thất vọng. Dù thế nào đi nữa hãy đừng nản chí và bỏ cuộc. Hãy luyện tập mài giũa hằng ngày. Trái ngọt có được sau những chặng đường chông gai luôn quý giá và xứng đáng với bạn. 

Định nghĩa thành công:

Định nghĩa thành công sẽ khác nhau ở mỗi người. Thành công là trở thành người mình từng mong muốn trở thành...Điều thử thách nhất và mãn nguyện nhất trong cuộc sống, không phải là trở thành người thành công trong mắt người khác, hay trong cái nhìn, đánh giá phiến diện của xã hội. Mà thành công chính là vượt lên bản thân, đạt được những mục tiêu của mình, và trở thành người mà mình mong ước. Và đối với tác giả, thành công chính là sống trọn vẹn với tất cả tiềm năng của mình. Luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình, phát huy tất cả những tiềm năng của mình, sử dụng tất cả sức mạnh để đạt được ước mơ của mình. Cuộc sống không phải là cuộc chạy đua nước rút mà ta phải gồng mình, căng thẳng đến chiến thắng những người khác. Mà chính là ở sự thỏa mãn, vui vẻ, tận hưởng thành quả và từ từ bước đến thành công. 

Bình an từ bên trong:

Khi ta hiểu được bản thân mình là ai, biết sống cho hiện tại, biết tin vào chính mình và sẵn sàng đi ngược lại định kiến của xã hội về định nghĩa thành công và hạnh phúc mà họ áp đặt lên con người. Khi ta học được cách khiêm tốn, mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh. Khi ta cho đi nhiều hơn và không mong nhận lại và biết phục vụ những mục đích cao cả hơn giúp ích cho cộng đồng. Khi đó ta đã đủ mạnh mẽ, đủ chín chắn, đủ khả năng để tạo nên một nền tảng vững chắc hiên ngang bước đi cống hiến sức mình cho cuộc đời. Sức mạnh tinh thần tựa như gốc rễ của những cây cổ thụ. Rễ có khỏe, gốc có chắc, thì cái cây mới có ngày to lớn sum suê.

Bạn là ngôi sao chờ ngày tỏa sáng: 

Hầu hết mọi người đều đang sống dưới khả năng của mình. Có thể là vì đa phần chúng ta đều lười. Có thể là vì nhiều người chưa nhận thức được sức mạnh của thói quen. Cũng có thể là vì sau những lần thất bại trong cuộc sống, sau những va vấp của tuổi trẻ, chúng ta tự thuyết phục rằng bản thân là một người bình thường. Nhưng không, bạn hãy luôn suy nghĩ rằng: Bản thân là một người rất đặc biệt, rất khác thường. 

Hãy tin vào những lời thì thầm bên trong mình, hãy tin vào sự khác biệt và nuôi dưỡng niềm tin mãnh liệt vào chính bản thân mình. Hãy âm thầm rèn luyện, tìm kiếm đam mê, và theo đuổi những con đường riêng. Rồi bỗng một ngày, bạn sẽ thấy mình đang sống đúng cách mà bạn từng mơ ước. Hãy tin bạn sẽ làm được và trở thành một ngôi sao sáng riêng biệt trên bầu trời đầy sao kia. 


Phần 5: Quà tặng kèm

Những cuốn sách nên đọc tuổi đôi mươi: 

  • Tôi tự học - Nguyễn Duy Cần

  • Chiến binh cầu vồng - Andrea Hirata

  • Rèn luyện nghị lực để lập thân - Nguyễn Hiến Lê

  • Bắt trẻ đồng xanh - J.D.Salinger 

  • Cuộc đời của Pi - Yann Martel

  • Nếu tôi biết được lúc còn hai mươi - Tina Seelig

  • Bảy thói quen của người thành đạt - Stephen R. Covey

  • 10 days to faster reading - Abby Marks Beale 

  • Nhà giả kim - Paulo Coelho

  • Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống - Trần Đình Hoành

Và rất nhiều cuốn sách khác được tác giả gợi ý.



*Lời kết:

Hoàn cảnh khó khăn nhất cũng chẳng thể cản trở chúng ta trưởng thành. Chấp nhận khiếm khuyết của thế giới và của chính mình không phải điều bất hạnh. Năm tháng không chỉ là chiếc máy đếm giờ, mà còn là hổ phách để tinh luyện sinh mệnh. Cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, không phải mọi chuyện đều như ý muốn của chúng ta. Có lẽ tất thảy chỉ là để ta trân trọng hơn những gì mình có ở giây phút này. Hãy dành thời gian để nỗ lực hoàn thiện bản thân thời còn trẻ, còn nhiều năng lực để mài giũa bản thân đối chọi được cuộc sống khắc nghiệt sau này.

 

Review chi tiết bởi: Vi Vi - Bookademy


--------------------------------------------------                                                                     

 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại



Xem thêm

Một cuốn sách gây khá nhiều tranh cãi và thực sự thì chính mình cũng khá băn khoăn khi viết review cho cuốn này. Bản thân mình hầu như không bao giờ mua sách self-help mà thường là được tặng, cuốn này cũng không ngoại lệ. Nhưng mình đã đọc khá nghiêm túc từ đầu đến cuối và rút ra được mấy điều như sau:

1. Những lời khen cho “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” liệu có quá đà?


Nó phụ thuộc vào độ tuổi của bạn khi đọc cuốn sách đó. Nếu mình đọc cuốn này năm 17 tuổi, có lẽ mình cũng sẽ thần thánh hóa nó lên. Bởi với nhận thức ở độ tuổi ấy, những chia sẻ của tác giả có thể coi như “kim chỉ nam” cho một cuộc “đại tu cuộc sống và thái độ sống” vậy. Rosie đưa ra rất nhiều lời khuyên mà những đứa trẻ mới lớn có thể vin vào đó làm phương châm phấn đấu. Như vậy có tốt hay không? Tốt! Những lời khuyên ấy hầu hết đều hướng tới những điều tích cực cả. Đi du lịch, đọc sách, học ngoại ngữ… người trẻ hiện nay có lẽ ai cũng đặt mục tiêu như vậy, và họ sẽ tìm được chỉ dẫn từ một người đã có nhiều kinh nghiệm trong những vấn đề đó.

Với mình, lối hành văn của tác giả chưa đủ hấp dẫn để lôi cuốn người đọc liên tục từ đầu đến cuối, đôi chỗ khá sáo rỗng và phiến diện (nếu so sánh với cuốn self-help mà mình đọc gần đây là “Bạn đắt giá bao nhiêu?” của Vãn Tình). Một số chỗ tác giả đưa ra lời khuyên nhưng lại mang tính áp đặt khá nhiều, như chỗ đặt mục tiêu đọc 50 cuốn sách/năm. Thực ra đọc nhanh hay chậm, nhiều hay ít không quyết định chất lượng đọc của bạn, mà là những gì bạn thẩm thấu được, hoặc cảm xúc mà nhờ cuốn sách đó bạn có được mới quan trọng. Mình vẫn thường đọc trước quên sau, đáng buồn là vậy.

2. Có nên đọc không, dù là tuổi nào đi chăng nữa???


Quyết định nâng lên hay đặt xuống một cuốn sách là ở bạn. Mình thì dù thế nào cũng sẽ ngoan cố đọc cho hết, không hẳn vì tiếc tiền mà là mình muốn biết tường tận nội dung từ đầu đến cuối của nó là gì, để nếu có khen chê thì cũng được khách quan hơn một chút. Nếu có thể, đừng đọc cuốn sách này với kỳ vọng nó sẽ giúp bạn tạo ra một cuộc cách mạng cho bản thân, cũng đừng để tên sách đánh lừa rằng chỉ cần đọc xong là bạn sẽ có cách biến tuổi trẻ của mình trở nên vô giá. Hãy đọc để biết được thêm những trải nghiệm và kinh nghiệm của một người đã nỗ lực không ngừng, đã đi nhiều, biết nhiều và đã dũng cảm viết ra những điều mình suy nghĩ. Mình cho rằng điều đó là dũng cảm vì nhiều khi bạn sẽ có rất nhiều suy tư nhưng không đủ kiên nhẫn và can đảm để viết ra, để hoàn thiện được cả một cuốn sách (và với chị này là nhiều cuốn sách). Và mình nghĩ bạn cũng sẽ học được một điều gì đó khi khép lại trang sách cuối cùng, vì rốt cuộc thì mục review những sách nên đọc trong quyển này cũng đáng giá đó chứ!

RỐT CUỘC “TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU?”

Đứng trước sự chênh vênh cuộc đời, sự cô đơn của trưởng thành, liệu bạn có đang tự giết chết tuổi trẻ bằng buồn chán và tuyệt vọng? Loay hoay giữa những ngã rẽ cuộc đời, thật khó để tìm được một người định hướng đúng đắn. Vậy hãy lật mở từng trang sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, nơi có tác giả Roise Nguyễn – một người chị đã từng trải chia sẻ mọi kinh nghiệm quý giá cho bạn. 

Cuốn sách được kết tinh bởi sự trải nghiệm, không mang tính giáo điều từ người đi trước, cũng không khó hiểu như những cuốn lí thuyết. Giọng văn nhẹ nhàng, thủ thỉ như một tách cappuccino nóng. Ở đây mình muốn nhấn mạnh ở giọng văn, bởi nó là một ấn tượng đặc biệt, một sự mới lạ mà không phải tác giả nào cũng có thể làm được. Cuốn sách chia làm 3 phần chính: HỌC – LÀM – ĐI. Như bao bạn trẻ mười tám, đôi mươi, chị Roise Nguyễn cũng đã từng đắn đo giữa ước mơ và định hướng gia đình. Cũng đã từng bức bối vì bị nhấn chìm trong những điều mình không đam mê. Bạn có thấy mình đâu đó ở quanh đây? 

“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” – Nơi kể những thói quen tốt mà người trẻ chúng ta nên trang bị, nơi tiềm năng bản thân được khám phá, giúp chúng ta thực sự hiểu giá trị sự đọc, cũng như bí quyết cân bằng giữa trải nghiệm và công việc, chuẩn bị vững vàng cho cuộc sống tương lai... Rosie Nguyễn cũng cổ vũ bạn đọc dám đi để học hỏi và không ngừng tự trao dồi kiến thức....

Vậy cuối cùng, tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Chị ấy để lại câu hỏi ấy cho mọi người – cho các bạn trẻ tự đi tìm định nghĩa riêng cho mình. Mỗi lần cầm cuốn sách này, nhìn thấy chàng trai ngồi trên cánh máy bay với câu hỏi lớn “TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU”, một nguồn năng lượng sẽ thôi thúc bạn hãy làm cho tuổi trẻ thật sự ý nghĩa và đáng sống hơn. 

“Tuổi trẻ đã qua không bao giờ trở lại, hãy sống như thể ta chỉ còn một ngày để sống” – Roise Nguyễn – tác giả best seller ấn phẩm “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”

“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” là cuốn sách không nặng nề giáo điều, không chỉ trích cực đoan, đơn giản chỉ là những tâm sự bình dị của người đi trước, Rosie Nguyễn mang đến cho bạn trẻ những tư tưởng tích cực nhất để mạnh mẽ bước chân vào đời. 

Cuốn sách được coi như là kim chỉ nam cho giới trẻ. Qua 5 phần sách xúc tích, ngắn gọn dễ hiểu, dễ nhớ, đặc biệt là dễ thấm, cuốn sách là những câu chuyện của 1 người đã sắp đi qua thời tuổi trẻ của mình để lại những bài học quý giá trên hành trình rèn luyện bản thân, học hỏi, cống hiến. Cuốn sách gần gũi với tất cả các đối tượng đặc biệt là những người trẻ, những người đang cảm thấy hoang mang, bế tắc với những dự tính trong tương lai.

Nội dung của cuốn sách được chia thành 5 phần với các chủ đề khác nhau: Tôi đã học như thế nào? Học đi đôi với hành, Đi là một cách tự học, Lấp lánh trước khi tỏa sáng và Quà tặng kèm.

Ở phần 1 cuốn sách với chủ đề “Tôi đã học như thế nào?”. Trong phần này, tác giả sẽ tập trung đưa ra những phương pháp học tập tốt nhất dành cho các bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường, có thể kể đến như việc các bạn nên thường xuyên đọc sách. Sách chính là nguồn kiến thức vô tận mà các bạn có thể dễ dàng tiếp cận nhất. Do đó, thay vì dành thời gian để làm những điều vô bổ như chơi game hay xem phim giết thời gian thì hãy dành thời gian đó hoặc nhiều hơn để đọc sách.

Phần 2 có chủ đề "Học đi đôi với hành", ở phần này tác giả đã chia sẻ rất nhiều những câu chuyện trong việc thôi thúc tiềm năng của bản thân để biết rõ bản thân đang đam mê và mong muốn theo đuổi điều gì, đây là phần dành cho những bạn trẻ sắp ra trường và đang tìm kiếm cho bản thân mình một hướng đi đúng đắn nhất. Bằng những câu chuyện thực tế và gần gũi, độc giả sẽ có thể cảm nhận rõ nét hơn về cách tạo dựng đam mê và thói quen như chính tác giả đã nói rằng: “Nếu bạn muốn có một kết quả khác, hãy thử hành động khác đi”.

Tiếp tục đến phần 3 với chủ đề “Đi là một cách tự học”. Học với những kiến thức lý thuyết khô khan là chưa đủ, các bạn cũng nên đi ra thế giới bên ngoài du lịch bụi để trải nghiệm và học hỏi thêm những điều mới mẻ chỉ có cuộc sống mới đem lại được, đi ra thế giới rộng lớn bên ngoài để trưởng thành hơn và hiểu chính mình hơn. Khi trải nghiệm như vậy, chính bạn sẽ là người cảm nhận được rõ nhất những gì đã học hỏi và nhận được những gì từ chuyến đi du lịch bụi đó. Những thông điệp như “Những người trẻ hãy sống thật với chính bản thân và những giá trị của mình” hay “Chỉ việc sống như cách mình muốn thôi cũng đã là một sự nỗi lực phi thường rồi”, chính là mục đích chính mà tác giả muốn nhắn gửi đến độc giả trong phần 3 này.

Phần 4 là chủ đề “Lấp lánh trước khi tỏa sáng” sẽ là phần để các bạn trẻ sống và theo đuổi đam mê của chính mình để dần tạo nên sự trưởng thành cho bản thân. Khi bạn đã may mắn tìm thấy được ước mơ của chính mình thì hãy sống hết mình với ước mơ đó bởi ngoài kia còn biết bao nhiêu người không biết họ muốn gì thích gì. Rosie Nguyễn đã đưa ra rất nhiều lời khuyên, các bài học động viên và lời cổ vũ cho những bạn trẻ của xã hội hiện đại hãy luôn sống và cháy hết mình với đam mê mà bạn theo đuổi.

Phần cuối cùng của cuốn sách với chủ đề “Quà tặng kèm”. Ở phần cuối này bao gồm những lời khuyên hữu ích và chân thành của Rosie muốn dành cho những độc giả trẻ của mình, giúp các bạn có thể giải quyết được những vấn đề và khủng hoảng mà một người trẻ thường hay gặp phải. Thay vì phải né tránh và sợ hãi, tác giả đã truyền thêm một luồng sức mạnh cho người trẻ, hãy dám nghĩ dám làm và đương đầu với mọi khó khăn, đơn giản vì đó là Tuổi trẻ và đừng bao giờ lãng phí nó, để rồi sau này phải hối tiếc về những gì đã qua trong muộn màng.

Kết lại, đây là một cuốn sách mà chúng ta cần tìm và đọc, đọc để học cách biến tuổi trẻ của ta trở thành vô giá, thanh xuân của ta sẽ vô cùng ý nghĩa. Đọc hết cuốn sách, ta sẽ có thêm nhiều nghị lực, niềm tin và nhìn thấy được những tương lai khác nhau của những hành động khác nhau.

Đừng mua, tốn tiền!

Sách rất là hỏi chấm luôn, hầu như tác giả toàn đưa ra quan điểm cá nhân xong thêm cái trải nghiệm của bản thân đúc kết được (Dẫn chứng) rồi thêm tí mắm muối kiểu "Trời ơi giá như năm 18 tuổi cũng có người khuyên tôi như này". Mà thậm chí quan điểm cá nhân đấy là điều mà hầu như ai cũng sẽ được nghe 1 lần trong đời nhưng sẽ KHÔNG áp dụng hoặc quên. 

Ví dụ như:

- Đọc nhiều sách  (Xong lấy câu nói của người nổi tiếng "Đọc sách = trải nghiệm vài cuộc đời" + ý kiến cá nhân)

- Tự học - Học online

- Đang trẻ đừng có sợ gì hết

- Dám nghĩ dám làm (Như kiểu Tony buổi sáng ấy)

Và lại + thêm vài cái ý kiến cá nhân vào, một vài mẩu chuyện cá nhân kể về quá khứ hiện tại (Dẫn chứng cho thuyết phục nhưng lan man.)

Thật ra mình quên gần hết rồi vì toàn mấy cái ai cũng khuyên nhưng có chịu nghe đâu.Và xáo rỗng nhất, tác giả khuyên đi du lịch, bỏ nhà đi bụi cho sướng, đi đây đi đó trú nhờ nhà dân. Kiểu như Nguyễn Tuân ấy đi nhiều cho thay đổi thực đơn của giác quan, chủ nghĩa xê dịch. Đi chơi = học hỏi khai mở đầu óc, có hẳn 4 trang màu in về khoảnh khắc tác giả đi chơi thì đủ hiểu luôn.

Cuốn sách mà bất cứ người trẻ nào cũng nên đọc càng sớm càng tốt.

Cuốn sách follow theo 3 phần học, đọc, đi nhưng mình lại cảm nhận như 1 hành trình để đọc vị tâm trí của bất cứ người trẻ nào. Giọng văn mộc mạc gần gũi như một lời tâm sự vậy.

Cuốn sách thúc đẩy người trẻ khả năng tự học, đọc sách và dám đi để mở rộng tầm mắt, để khám phá khả năng, tâm hồn mình và hơn hết là đi để trưởng thành.

Mình không đánh giá cao những thông điệp về tự học hay đọc sách vì mỗi người ít nhiều đều đọc ở đâu đó rồi. Mình thực sự ấn tượng với góc nhìn về đi về trải nghiệm của tác giả, về vị trí của gia đình trong hành trình của mỗi người. "Chúc con thành công" câu chữ ấy ấm áp thật đấy nhưng đôi lúc ý chí của bố mẹ lại trở thành bức tường thành trong hành trình của con "Trẻ con đã không còn là trẻ con nữ rồi, nhưng bố mẹ cứ mãi muốn làm bố mẹ". Cho dù thân cận nhất nhưng đôi lúc lời khuyên của bố mẹ lại không phải tốt nhất, quan trọng là bản thân phải lắng nghe mình muốn gì, sống nỗ lực, kiên trì cho giấc mơ của mình.

Cuốn sách thực sự khiến mình không biết phải viết gì vì điều nó thực sự đang làm là thôi thúc chúng ta hành động điều mà ta đang hướng tới, con tim ta đang cháy vì nó.

0 điểm