Bạn biết vì sao con người lớn lên lại ao ước mình được trở về tuổi thơ, quay trở lại với năm tháng hồn nhiên, vô tư lự và đầy ắp tiếng cười của ngày thơ bé không? Bởi đó là quãng thời gian niềm vui và nỗi buồn của chúng ta đến từ những điều giản đơn. Cùng với thời gian trôi qua, mỗi người trong chúng ta mang theo lý tưởng, khao khát, cảm xúc và trách nhiệm của mình, chúng ta bận rộn chạy đua với cuộc đời, không thể dừng bước cũng không dám lơ là. Kết quả là gánh nặng trên cơ thể ngày càng nhiều, ngày càng nặng, nụ cười rực rỡ theo làn gió cuốn trôi mãi không quay về, thay thế vào đó là một gương mặt buồn phiền, dễ tức giận. Và tồi tệ hơn, khi quyền làm chủ cuộc sống của chúng ta bị cuỗm mất bởi những ham muốn dư thừa, gông xiềng cuộc sống khiến chúng ta kiệt sức.
Con người không vui vẻ, không hạnh phúc, không phải bởi họ có được quá ít mà là họ không biết đủ, không biết dừng
Xuyên suốt mạch văn là những lời khuyên chân thành đút kết từ những câu chuyện vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày dưới góc nhìn của một nhà tu hành - đại sư Hoằng Nhất. Đại sư sẽ dẫn dắt và dạy cho chúng ta một điều rằng đời người thật ra có quá nhiều vướng bận và nhiều chuyện bất lực người buông bỏ được sẽ nhận về sự thoải mái và vui vẻ, còn người không buông bỏ được chỉ có thể cõng gánh nặng cả đời mà sống, không được hạnh phúc. Đồng thời, Đại Sư cũng sẽ dạy cho chúng ta làm thế nào để buông bỏ.
Nâng lên được, đặt xuống được gọi là cử tạ, còn nâng lên được không đặt xuống được thì gọi là gánh nặng
Từ bỏ ham muốn tu một trái tim thanh tịnh
Con người có ham muốn là chuyện bình thường, và có thể coi đó là bản năng của con người từ khi được sinh ra. Cuộc sống vốn dĩ là thế, con người sống mà không có một mục tiêu để theo đuổi thì thật là buồn chán và tẻ nhạt. Ai cũng có quyền theo đuổi những mong muốn của bản thân để phát triển mình và gia tăng chất lượng cuộc sống, nhưng không hài lòng với những gì mình đang có lại là bản tính của con người. Khi vừa đạt được mong muốn này chưa kịp tận hưởng niềm vui từ nó thì những mong muốn mới lại xuất hiện, đẩy bản thân vào vòng xoáy cuồng quay làm làm và làm để thỏa mãn chúng, dần dà khiến chúng ta rơi vào cái bẫy mà ham muốn giăng sẵn, từng bước từng bước khống chế tâm trí và trói buộc tâm hồn ta. Những người đang rơi vào tình trạng này thì nội tâm rất dễ bị lay động và cũng dễ bị quyền thế, tiền bạc, danh lợi điều khiển tâm trí cuối cùng là đánh mất chính mình. Vậy để thoát khỏi xiềng xích của ham muốn bạn cần làm gì:
Hãy dọn dẹp ham muốn thường xuyên giống như cách mà người chơi cây cảnh cắt tỉa chậu cây của họ để nó trở thành một cảnh quan đẹp vậy “Buông thả những ham muốn của mình nó sẽ điên cuồng sinh sôi”. Đừng cầm quá nhiều thứ trong tay, buông bỏ những việc áp lực vượt tầm khống chế, không cần gượng ép bản thân quá mức, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ làm những điều mang lại niềm vui cho mình.
Hưởng thụ cuộc sống hiện tại một cách ung dung, không nóng vội, bình tĩnh và thản nhiên đối mặt với những tình huống khó khăn hay những thất bại trong cuộc sống. Có thể thất bại sẽ làm bạn đau đấy nhưng chỉ một khoảng thời gian thôi nhé, ngày mai khi trời sáng rồi hãy đứng dậy và bước tiếp, tha thứ cho người, cho mình, đừng dằn vặt bản thân suốt một đời. Vì như thế bạn sẽ bỏ lỡ những điều hay ho và tốt đẹp mà cuộc sống muốn gửi gắm đến cho bạn đấy. “Khi bạn rơi lệ vì bỏ lỡ ánh dương bạn sẽ lại bỏ lỡ những ngôi sao”
Nên nhớ, tiền thực sự quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta, bởi việc kiếm tiền sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn nhưng nên hiểu rằng tiền bạc là vật ngoài thân, là một người hầu trong cuộc sống của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải nắm bắt và kiểm soát được tiền, đừng để bản thân trở thành nô lệ của tiền bạc, tiền không phải là toàn bộ cuộc sống và cuộc sống có nhiều thứ quan trọng hơn đồng tiền. “Người mà trong túi không có tiền, trong tài khoản không có tiền, nhưng trong lòng chứa đầy tiền mới là khổ nhất; người mà trong túi có tiền, trong tài khoản có tiền, nhưng trong lòng không có tiền mới là có phúc nhất”
Biết đủ thường hài lòng, biết dừng thì dừng được
Con người có một thói quen rất kì lạ, chúng ta đã quen với việc ngước mắt nhìn lên trên và so sánh mình với những người sống tốt hơn để rồi tự trách bản thân mình sao mà kém cỏi đến thế, tại sao người khác có thể làm được còn mình thì không, vậy nên bất kể bản thân có bao nhiêu cũng không thể khiến mình hạnh phúc. Một đời người là quá dài nếu bạn cứ mãi sống trong đau khổ, mãi không tìm thấy lối thoát cho trái tim, cho tâm hồn mình. Nhưng có lẽ bạn không biết điều này, cuộc sống có an nhàn hay không, cơ thể và tâm hồn có được thoải mái hay không, những điều đó không phụ thuộc vào việc đời sống vật chất có xa hoa hay không, mà là lòng bạn phải được thanh thản và yên vui. Hãy thử một lần, ngoảnh đầu nhìn lại phía sau lưng mình còn có rất rất nhiều người có ít hơn bạn đang mong muốn có được những điều bạn đang có, đến vị trí mà bạn đang đạt được, thì bạn sẽ biết được bản thân mình đang hạnh phúc tới mức nào.
Niềm vui chân chính không phải sự sung túc về vật chất mà là sự phong phú trong tinh thần.
Muốn có được niềm vui của cuộc sống điều cơ bản để tin theo chính là “Biết đủ thường hài lòng, biết dừng thì dừng được”. Biết đủ không phải dừng theo đuổi, dừng khao khát, ngừng tiến về phía trước, mà là đừng đau khổ vì ham muốn nhất thời không được đáp ứng, cũng đừng than vãn bản thân có quá ít, trân trọng phúc khí mình đang có, cố gắng giảm bớt những nhu cầu ham muốn của mình. Có như vậy, chúng ta mới có thể cảm nhận niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống vụn vặt thường ngày một cách sâu sắc và trọn vẹn.
“Được mất do số, lòng không thay đổi”, người biết đủ, biết buông bỏ thì dù cuộc sống không hoàn hảo, không đạt được mục tiêu trọn vẹn, cũng vẫn cảm thấy cuộc sống này tốt đẹp, bởi có được sinh mệnh này chính là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời người.
Bình tĩnh ôn hòa mới có được nội tâm mạnh mẽ
Đời người giàu nghèo, thành bại, được mất, chẳng qua chỉ là một khoảnh khắc, một trạng thái trên đường đời, khi đã nhìn thấu nhân sinh, bạn sẽ thấu được giây phút đối mặt với đau khổ chỉ cần mỉm cười và phấn đấu tiến về phía trước. Bởi vì, chắc chắn rằng bạn không thể chịu đựng được sức nặng khi cõng mọi đau khổ trong cuộc đời này trên lưng. Hãy xem mỗi lần gặp trắc trở đều là thử thách của cuộc sống giúp chúng ta trưởng thành từ đau khổ, tiến bộ trong rèn luyện, trui rèn bản thân cho đến khi trải qua khó khăn mà không sợ hãi, đi trong vũng bùn mà như đi trên đường bằng phẳng. Vậy hành trình để đạt được đến cảnh giới của sự thong dong này là gì, dưới đây là những điều Đại sư chỉ điểm cho chúng sinh:
Nhẫn nhịn: người xưa có câu “Một điều nhịn chín điều lành”, nhẫn nhịn ở đây không phải là nhu nhược, dễ bị ức hiếp mà là khi đối mặt với những tình huống phức tạp, tranh chấp bản thân không nóng nảy, hấp tấp trái lại là dùng thái độ bình tĩnh, ung dung xử lý mọi chuyện. Bản năng của con người thường dễ bộc lộ ra nhất trong những hoàn cảnh khó khăn hoặc khi có mâu thuẫn xảy đến bởi trong cuộc sống bình thường hằng ngày chúng đã bị ta che lấp đi bằng nhiều cách khác nhau. Đời người luôn vì không thể nhẫn nhịn nên dù một câu nói, một chuyện nhỏ cũng có thể dẫn đến bất hòa, cãi nhau, tệ hơn là đánh nhau. Vì thế, để giảm bớt phiền não và sầu lo cho mình, những chuyện không đáng thì nên bỏ qua “Nhịn một chút sóng yên bể lặng, lùi một bước trời cao biển rộng”.
Kiềm chế bản thân: là học cách làm chủ cảm xúc của mình, thận trọng điềm tĩnh, không quá khích khi gặp chuyện vui, không suy sụp khi gặp chuyện buồn, khó khăn đến mấy cũng không hoảng hốt lúng túng. Khống chế cảm xúc của bản thân là một việc không hề dễ dàng, do đó chúng ta cần phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức để tu luyện. Ví như việc lúc chúng ta tức giận thường đưa ra những quyết định và hành động sai lầm, để rồi khi cơn giận tiêu tan chúng ta hối hận vì lúc ấy mình đã quá kích động khiến mọi việc không thể cứu vãn. Thông thường, những người để cảm xúc vượt tầm kiểm soát của lý trí thì tâm hồn lúc nào cũng rối loạn và hay lo sợ bất an, cũng chính vì điều đó mà niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống cũng biệt tăm biệt tích tìm hoài không thấy.
Sống trọn vẹn những thời khắc của cuộc đời: trân trọng cuộc sống mỗi ngày, yêu thương thế giới này, tin tưởng mỗi ngày đều là một ngày mới tốt đẹp bởi cuộc sống không hề thiếu cái đẹp chỉ là chúng ta có muốn để tâm đi tìm hay không. “Quá khứ là để hồi tưởng, hiện tại là để sống và tương lai là để mơ về những điều tốt đẹp”, đừng mãi chìm trong quá khứ đau khổ hay mãi đắm mình trong viễn tưởng tương lai nhưng lại bỏ qua hiện tại, hãy sống hết mình cho những khoảnh khắc của ngày hôm nay, tận hưởng những khung bậc cảm xúc của đời người, bởi đi qua những ngày mưa ta sẽ trân quý những ngày nắng; trải qua đau khổ, cay đắng của cuộc đời thì hạnh phúc sẽ càng trọn vẹn và đong đầy hơn.
Hạnh phúc của mình
Hạnh phúc của mình đơn giản chỉ là cảm nhận của riêng mình không liên quan đến bất cứ ai, chỉ duy nhất liên quan đến trái tim của mình. Đừng theo đuổi hạnh phúc của người khác, mỗi người có một cuộc đời riêng do đó hãy tự đi tìm hạnh phúc cho chính mình. Không cần phải để tâm về hình tượng của mình trong mắt người khác, cũng đừng sợ hãi cách đánh giá của người khác về mình, về cuộc sống của mình, kể cả về thành công, niềm vui và hạnh phúc của mình. Bởi lẽ những lời nhận xét của người dưng về con người bạn là từ một phía phiến diện, người bản lĩnh xin hãy dùng trái tim nóng và cái đầu lạnh để nhìn nhận sự việc, nếu hợp tình hợp lý thì mình từ từ tìm cách khắc phục, còn nếu đó là những lời phán xét vô căn cứ thì hãy quên chuyện đó đi, hãy tha thứ cho tất cả những người đã từng làm tổn thương đến bạn.
Khoan dung với một người còn khó hơn là yêu thương người đó, điều này đòi hỏi một sự dũng cảm cực lớn. Nhưng chỉ có khoan dung tâm hồn ta mới được giải thoát
-------
Sự khôn ngoan trong hành động là một thông điệp quan trọng trong cuốn sách. Tăng Quốc Phiên chỉ ra rằng nóng giận thường dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ và hậu quả khó lường. Ngược lại, sự tĩnh lặng giúp bạn hành động một cách khôn ngoan và hiệu quả.
Ông khuyên rằng trước khi hành động, hãy dành thời gian để suy ngẫm, cân nhắc mọi khía cạnh và hậu quả có thể xảy ra. Sự khôn ngoan đến từ khả năng kiềm chế bản năng và sử dụng lý trí để dẫn dắt hành động.
Cuốn sách là kim chỉ nam giúp bạn biết khi nào nên hành động, khi nào nên chờ đợi và cách biến sự tĩnh lặng thành sức mạnh để đưa ra quyết định đúng đắn.