Tôi từng
đọc được một câu danh ngôn của người Pháp: “Cái đẹp là sự sống”. Mỗi người đều
có những quan niệm về cái đẹp khác nhau. Có người cho rằng chữ Mĩ nằm ở những
điều lộng lẫy, xa hoa trên vương miện lấp lánh của nữ hoàng. Nhưng đa số học giả
đều yêu thích vẻ đẹp của sự sống giản dị mà mạnh mẽ như trong câu danh ngôn đề
cập. Sự sống – vốn bản thân nó đã là một thứ gì đó kì diệu. Cánh đồng hoa
Lavender, chúng không chỉ đẹp vì sắc tím mộng mơ mà còn bởi dòng nhựa sống căng
tràn trong mỗi tế bào của bông hoa. Những bức tranh, hay bài thơ đẹp vì nó mang
hơi thở của cuộc sống hay nội tâm con người, không phải một thế giới đẹp đẽ mà
chết lặng. Đó là vẻ đẹp sức sống trong thiên nhiên và nghệ thuật. Và tất nhiên,
đối với con người cũng vậy. Cùng nằm trong dòng cảm hứng trên, tác giả Itsuki
Hiroyuki đã viết cuốn sách Chỉ sống thôi là đã đủ tuyệt vời như một cách tôn
vinh sự sống của con người.
Tác giả
Itsuki Hiroyuki là một cây bút tài năng với nhiều giải thưởng danh giá. Cuốn
sách này không phải xuất sắc nhất, không phải những phát kiến vĩ đại nhưng đủ
cho bạn tìm thấy sự bình yên, và chắc chắn là hãnh diện về cuộc đời. Có thể coi
tác giả như một người bạn đồng hành, bởi những chia sẻ hết sức chân thành của
ông.
Cuộc sống
vốn dĩ tràn ngập nỗi buồn. Hồi còn trẻ, tôi từng nghĩ có lẽ sau này khi trưởng
thành thì cuộc đời sẽ được nhẹ nhõm đi ít nhiều. Đáng tiếc thay, điều này không
xảy ra. Dù sống đến bao nhiêu tuổi hay hoàn cảnh sống có thay đổi đến thế nào,
tôi vẫn phải đối mặt với nhiều điều phiền muộn không mong muốn. Nhưng tin mừng
là tôi đã bắt đầu nhận thức rằng, thậm chí những nỗi khổ đau này cũng là một phần
quan trọng của cuộc đời
Cuốn sách được chia thành bốn phần và dung lượng chưa đến 200 trang. Tôi nghĩ như vậy là đủ để tác giả thể hiện suy nghĩ của mình về sự sống của con người.
1. Thân gửi bạn, người đang cảm thấy bế tắc.
Có những
người quá băn khoăn về mục đích sống của mình mà cảm thấy bế tắc. Tác giả có
chia sẻ như sau mỗi khi có người gặp vấn đề này:
Thường
thì tôi sẽ hỏi lạ người đó “Có thực sự cần phải thêm một mục đích gì đó vào cuộc
sống hay không?” Tôi hỏi thế là bởi sống đến từng tuổi này, tôi tự thấy cái gọi
là mục đích sống dường như không tồn tại. Hơn nữa, sâu trong tim mình, tôi luôn
tin rằng, tôi luôn tin rằng dù không có bất kỳ một mục đích nào đi chăng nữa,
chỉ riêng việc được sống trên đời thôi đã là một điều quá tuyệt vời
Thực sự
khi đọc đến đoạn này, rất nhiều người đọc giống như tôi sẽ gặp mâu thuẫn trong
ý tưởng của tác giả. Một thế hệ ảnh hưởng từ triết học, văn học với những câu hỏi
đi tìm bản ngã “Tôi là ai?”, “Tôi sinh ra để làm gì?” và trái tim nhiệt huyết
tìm ra sứ mệnh của sự tồn tại, chúng tôi không dễ chấp nhận việc cẩu thả với ba
từ “mục đích sống”. Nhưng khi bình tĩnh đọc hết cuốn sách, tôi mới thấy câu nói
trên dồn trọng tâm vào cụm từ “sống đến từng tuổi này”, nghĩa là tuổi 87 của
tác giả. Bởi vì với những người tuổi đã cao như vậy, họ đơn giản thấy sống đến
tuổi già an nhiên đã là một điều tuyệt vời. Nhưng trước đó, họ cũng có một tuổi
trẻ sôi nổi với hoài bão, với những trăn trở. Tóm lại, tác giả muốn động viên
những người cảm thấy bế tắc, nên vơi bớt chút lắng lo băn khoăn của mình mà trải
nghiệm cuộc sống. Đáp án, theo tôi nghĩ, rồi cũng sẽ được hóa giải theo thời
gian.
Dù con
người thường nghĩ rằng bản thân họ đang tự sống cuộc đời mình, nhưng thực ra
chúng ta không hề đơn độc
Đúng vậy,
chúng ta thường cho bản thân là kị sĩ “đơn thương độc mã” mà ôm hết mọi thứ lên
đôi vai nhỏ bé. Thật ra sự sống còn kì diệu bởi mối liên hệ của nó với thế giới
xung quanh. Sự sống của chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng đến người khác. Và xã hội
này tồn tại và phát triển, tôi không biết dùng từ gì thích hợp, nhưng đại loại
là một dạng tương trợ.
Với phần đầu tiên, tác giả gợi cho người đọc về cảm hứng sống. Một cách nhẹ nhàng và an nhiên của những người đã bình bình an an đi qua sóng gió cuộc đời. Tinh túy và thanh khiết như cánh hoa anh đào trong gió của tâm hồn Nhật Bản, như văn phong nhẹ nhàng của hầu hết các tác gia của xứ sở anh đào.
2. Phương thức sinh tồn.
Nghe đề
mục dễ khiến người đọc liên tưởng tới điều gì đó thật khủng khiếp như trong bộ
sách “Đấu trường sinh tử”. Nhưng nếu nhìn thẳng sự thật mà nói, cuộc sống chính
là như vậy, là cuộc chiến sinh tồn. Trong cuốn sách, tác giả sẽ dùng những lời
văn đẹp đẽ nhất để ta học cách thích nghi với những tiêu cực của cuộc sống. Tôi
nghĩ phần này có thể kết hợp với phần 3 “Bất an hay phiền não đều là một phần của
tôi”, bởi vì đối mặt với phiền não cũng chính là cách để “sinh tồn” trong cuộc
đời.
Khi những
điều không may liên tiếp xảy đến, thay vì cố sức phản kháng, ta nên tự điều chỉnh
lại tâm thế của mình
Một
trong những cách để cuộc đời trở nên yên ổn chính là biết chuyển hóa suy nghĩ của
bản thân. Những rắc rối là điều không thể tránh khỏi, thay vì tức giận hay bi lụy
với chúng, ta nên bình tĩnh đối diện với chúng. Câu văn trên làm tôi nhớ tới một
câu nói tương tự “Khi cuộc đời chia cho ta những lá bài xấu, hãy biến ta thành
người chơi giỏi”.
Bên cạnh
đó, tác giả cũng đưa ra nhiều phương pháp khác nhau như chọn cho bản thân một
nơi để trở về hoặc cảm nhận sự tồn tại. Tuy nhiên, phần tôi ấn tượng hơn cả là
cách tác giả viết về nỗi bất an của con người về những tiêu cực trong cuộc sống.
Chừng
nào chúng ta còn sống, chừng đó cái ác vẫn còn tồn tại, nhưng đồng thời, trong
chúng ta cũng có sẵn những hạt giống thiện lành. Con người không còn cách nào
khác ngoài việc chấp nhận sống với cả hai thái cực đang tồn tại bên trong mình
Có lẽ
vì cuộc sống vốn dĩ đã chẳng dễ dàng nên mỗi đứa trẻ sinh ra đều cất tiếng khóc
chào đời. Nhưng chuyện gì chẳng có hai mặt thiện ác, sáng tối. Do vậy, bên cạnh
những khó khăn thì cuộc sống vẫn có những hạnh phúc hiển hiện. Cuốn sách sẽ
phân tích cho bạn thấy việc chấp nhận khó khăn là việc hoàn toàn hiển nhiên và
những nỗi đau cũng có thể làm bạn thay vì việc chúng ta thù ghét và sợ hãi nó.
Hồi còn
học trung học, cô giáo từng đưa chúng tôi một đề bài: “Dũng cảm là sống hay chết?”.
Có thể chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến sự hy sinh cao cả của những người lính
xưa kia. Nhưng sự dũng cảm không chỉ tồn tại trong tiếng bom tiếng súng, sự
dũng cảm của con người còn ở việc anh ta dám sống. Đúng vậy, dám sống để đối mặt
với chông gai thử thách, dám sống với vẹn toàn sự sống của mình không hổ thẹn.
Âu cũng là một loại dũng cảm. Giống như Nick Vujicic, hay vô vàn người khác, họ
vượt qua mặc cảm để hướng tới cái chân thiện mỹ của cuộc sống, mỗi người chúng
ta đều cần dũng cảm để đối diện với cái xấu cái ác trong cuộc sống và chính bản
thân. Đây cũng chính là điều tác giả muốn truyền tải:
Hãy tự mình ghi nhận sự bản lĩnh và can trường của sự sống
3. Sống trọn vẹn.
Có cuộc
đời thì thất bại, có cuộc đời thì bình đạm thông thường, cũng có những cuộc đời
thành công rực rỡ. Dù là cuộc đời nào đi nữa, mỗi người đều đang sống và đấu
tranh không mệt mỏi trong vận mệnh và sứ mệnh của bản thân. Mỗi người chúng ta
đều là một chiến sĩ
Chúng
ta không giống nhau, nhưng đích đến của cuộc đời ai chẳng muốn một kiếp an
nhiên, để lúc tuổi già tóc bạc có thể kiêu hãnh nhìn về một kiếp người, dù buồn
dù vui. Chính vì vậy, bạn học giỏi hay không, bạn kiếm nhiều tiền hay ít, quan
trọng nhất là bạn đã cố gắng hết mình. Bạn sống trọn vẹn từng ngày, cố gắng từng
ngày, mãn nguyện một đời về sự sống không tiếc nuối, như vậy là quá tốt rồi. Bởi
vì, danh vọng hay tiền bạc, cũng sẽ theo ta đến nấm mồ rồi tan thành khói mây.
Do đó, sống trọn vẹn chính là một cuộc sống hạnh phúc.
Có một
điều tôi khá thích ở tác giả là vốn kiến văn phong phú của ông. Mỗi trang sách,
chúng ta đều tiếp nhận được thêm rất nhiều tri thức mới, gặp lại những cái tên
quen thuộc và cả những câu chuyện chưa từng biết tới. Nó làm tôi nhớ lại cảm
giác khi nghe ông bà kể chuyện xưa. Sự yên bình của cuốn sách lan tỏa từ chính
nội tại của nó. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng nghĩ rằng một tác giả tuổi đã cao sẽ
có cái nhìn đã cũ và thiếu cập nhật. Không hề, Itsuki Hiroyuki là một tác giả
có sự quan sát sự vận động của xã hội, không phải khép kín mình trong “tháp ngà
văn chương” mà bỏ mặc thế sự. Ví dụ như tỉ lệ tự tử tăng cao hay trầm cảm trong
xã hội hiện đại, ông đều đưa ra những ý kiến của riêng mình.
Chứng
kiến một xã hội có tỉ lệ người tự tử ngày càng gia tăng, thậm chí con người còn
dễ dàng ra tay sát hại lẫn nhau khiến tôi cảm thấy căn nguyên của vấn đề thực sự
nằm ở một nơi rất sâu. Dù là tự sát hay giết người thì cũng đều bắt nguồn từ một
gốc rễ duy nhất: Đó là con người không thực sự cảm nhận được cái quý giá của
sinh mạng
Tôi cũng nghĩ, nếu con người ta hiểu rằng sự sống là một điều thiêng liêng thì chắc chắn sẽ không làm vậy. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này còn rất nhiều luồng ý kiến và cách luận giải khác nhau.
4. Thay lời kết.
Đây là
chương sách cuối cùng, và cũng chính là lời nhắn gửi của tác giả tới toàn bộ
chúng ta – sống trọn vẹn.
Cuốn
sách một khi khép lại nhất định vẫn sẽ để lại dư vị thanh nhã trong lòng người
đọc. Sự sống của con người không phải chủ đề quá mới mẻ. Từ kho tàng văn học
ngàn đời trước, con người đã suy tư về sống – chết. Dẫu vậy, cuốn sách này vẫn
vô cùng đáng đọc, nếu bạn đơn giản cần một người an ủi, cần một nơi để tâm sự.
Tôi thích màu sắc của Nhật Bản lan tỏa trong cuốn sách. Từ cách hành văn nhẹ
nhàng dễ đi vào lòng người của tác giả đến những câu chuyện rất Nhật. Qua cuốn
sách, tôi cũng nhận thấy biểu hiện rõ nét của phong cách sống tối giản mà người
Nhật đề cao. Họ không quá cầu kì xa hoa, những thứ giản dị thanh đạm lại dễ ưa
hơn rất nhiều. Qua những dòng văn của tác giả, tôi thấy được ông có sự am hiểu
đối với tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Nếu bạn đọc cuốn sách để tìm bình yên,
thì chắc chắn những trang sách mang hương vị từ bi và an nhiên từ Phật giáo sẽ
khiến bạn hứng thú. Tôi thích cách cuốn sách đem lại sự an tâm và hoan hỷ về cuộc
sống hơn là coi nó như một cuốn sách truyền động lực mạnh mẽ hay kêu gào khẩu
hiệu.
Và cuối
cùng, điều khiến cuốn sách nhỏ bé dễ lấy lòng người đọc nhất chắc chắn không thể
bỏ qua trái tim chân thành của tác giả hướng tới điều thiện lương.
Con
người chỉ cần sống đã là có giá trị. Không có cuộc đời nào là vô nghĩa. Chết
cũng là một việc có giá trị. Ngay cả đối với một người như tôi. Không có chút dối
trá nào trong chuyện này.
Sống là
việc không hề đơn giản, nhưng ta cần phải sống. Nguyện cho những từ ngữ sinh ra
từ những tiếng thở dài của tôi có thể an ủi và động viên bạn đọc dù chỉ là một
chút
Lặng lẽ đọc cuốn sách trong một buổi đêm thanh tĩnh là một điều tuyệt vời sau cuộc sống tấp nập ngoài kia. Một thời gian dài chau mày với sách chính trị, kinh tế, gồng ép bản thân với những cuốn self-help, tôi vẫn nghĩ những cuốn như Chỉ sống thôi là đã đủ tuyệt vời là không thể thiếu trên giá sách. Nó giúp mọi thứ cân bằng lại, vì thi thoảng não bộ cũng cần được nghỉ ngơi, tâm hồn cần được tự do để ngày hôm sau, chúng ta lại có thể bắt đầu một ngày mới trọn vẹn.
------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:
https://www.facebook.com/bookademy.vn
Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt
Cuốn sách "Chỉ Sống Thôi Là Đã Đủ Tuyệt Vời" như một lời thì thầm nhẹ nhàng, giúp chúng ta buông bỏ những áp lực, những gánh nặng trong cuộc sống, để tận hưởng niềm vui tự do. Trong xã hội hiện đại, chúng ta thường bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, của những mục tiêu xa vời, quên mất việc tận hưởng những điều giản dị trong cuộc sống.
Nguyễn Phi Vân đã khéo léo chỉ ra rằng, hạnh phúc không phải là đích đến, mà là một quá trình, là sự tận hưởng niềm vui trong từng khoảnh khắc. "Hãy sống chậm lại và tận hưởng những điều nhỏ bé xung quanh mình, bạn sẽ thấy cuộc sống này tuyệt vời đến nhường nào", tác giả viết. Cuốn sách như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, giúp chúng ta sống chậm lại, trân trọng hiện tại và tìm thấy niềm vui trong những điều giản dị.