Đã từ lâu, chúng ta đều biết rằng để sống một cuộc đời bạn muốn, bạn phải bỏ công sức, thời gian cùng với năng lượng để thực hiện điều đó. Chúng ta biết phải làm gì nhưng sẽ có vô vàn lý do được đưa ra để trì hoãn những kế hoạch của bạn. Sống kỷ luật thật không hề dễ dàng như bạn nghĩ, tuy nhiên với Càng kỷ luật càng tự do của Ca Tây sẽ làm thay đổi cách bạn suy nghĩ đấy. Với ngòi bút thẳng thắn nhưng gần gũi và thực tế, tác giả khắc họa lợi ích của một cuộc sống có kỷ luật sẽ mang đến cho bạn điều gì và quan trọng hơn hết, bạn cần phải làm gì để có những điều mà bạn mong muốn.
*Về tác giả:
Ca Tây sinh năm 1985, là một tác giả, cũng là một “hot mom” nổi tiếng tại Trung Quốc. Bản thân cô là một người mơ mộng ham vui nhưng rất thực tế. Trải qua tuổi hai mươi bồng bột, Ca Tây đã nuôi dưỡng sự điềm đạm và ôn hòa của mình cho đến bây giờ. Phương châm sống của cô là: “Cuộc sống sẽ không bạc đãi những người chăm chỉ, nhưng trước hết bạn phải tin chính mình đã.”
*Về nội dung sách
Sách được viết với văn phong gần gũi và dễ hiểu. Tất cả những câu chuyện và những bài học sâu sắc đều do chính bản thân tác giả trải nghiệm và đúc kết. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé.
| KỶ LUẬT MỚI LÀ VÁN BÀI TA TỰ ĐẤU VỚI CHÍNH MÌNH |
Phải thừa nhận một điều kỷ luật rất khó, bởi sự mê hoặc và những cám dỗ ngoài kia quá lớn, nằm trên sô pha xem bộ phim truyền hình thật thoải mái biết bao, ôm điện thoại lướt Facebook dễ chịu biết bao. Thế nhưng, niềm vui ngắn ngủi này theo tác giả được ví như là một loại trầm luân biến tướng, chỉ có thể mang đến sự chậm chạp trong tư duy, bệnh tật cho cơ thể và sự cằn cỗi cho tâm hồn.
Sống trong sự nhàn nhã và lười nhác lâu dài, con người sẽ mất đi khả năng chủ động, ngày càng trở nên tạm bợ, không có hoài bão và lý tưởng để chinh phục nữa. Những người như vậy thường gặp phải rất nhiều sai sót trong công việc cũng như cuộc sống.
Biết tự kiểm soát bản thân là bản năng của người mạnh mẽ nhất. Ngược lại, người không biết tự kiềm chế bản thân, cuối cùng sẽ mất đi cả thế giới này.
Để sống một cuộc đời mà bạn muốn, bạn cần phải loại bỏ thói quen của sự tùy tiện, tự ràng buộc bản thân hình thành những thói quen tốt. Dựa vào sức mạnh và ý chí để tạo nên những nguyên tắc thuộc về mình. Bạn phải học cách tự kỷ luật, tự xem xét và tự phê bình bản thân mình.
Ngoài việc bản thân mình chiến đấu với chính mình, không ai có thể giúp bạn được. Chỉ có quyết tâm và sự kiên trì của bạn mới có thể chiến thắng tất cả mọi cám dỗ ngoài kia. Chỉ cần một lần bạn sa đà đã khiến cho quỹ đạo cuộc đời bạn chếch sang một hướng khác rồi.
| BẠN ĐỢI KHI NÀO NỮA MỚI BẮT ĐẦU?|
Tuổi trẻ và thời gian là hai thứ sẽ chẳng chờ đợi bạn đâu. Chúng lặng lẽ trôi qua một cách vô cùng thản nhiên. Đối với một số người, điều này là một sự thật tàn nhẫn với họ.
Thời đôi mươi, bạn có sự dẻo dai, nhiệt huyết, khả năng chịu đựng áp lực cao, sự can đảm. Nếu như không dành thời gian để làm những gì mình thích thì chắc chắn khi bạn đã 30 hay 40 tuổi bạn sẽ phải hối tiếc về những cơ hội bạn đã vụt mất. Hơn nữa, tuổi 20 bạn không có nhiều sự ràng buộc như ở tuổi trung niên. Khi đã 30 hay 40 tuổi, bạn sẽ không thể tưởng tượng viễn cảnh trên có cha mẹ già chăm sóc, dưới có chồng con phải bảo vệ và chăm lo, còn nhiều gánh nặng về trách nhiệm gia đình. Bạn sẽ không có thời gian và đủ nhiệt thành để làm những gì bạn yêu thích nữa.
Dù bạn thích hay không, tuổi tác cũng có vai trò quan trọng trong hành trình trưởng thành của bạn. Vấp ngã tuổi 20 sẽ khác rất nhiều so với tuổi 30 hay 40 thậm chí 50 tuổi về sau. Nếu như tuổi trẻ bạn thất bại, bạn có thể vực dậy tinh thần rất nhanh. Tuy nhiên, khi đã càng lớn tuổi, khả năng chấp nhận thất bại của bạn sẽ ngày càng thấp vì lúc đó năng lượng và sức khỏe của bạn cũng đã hao mòn một phần vì áp lực trong cuộc sống.
Nếu bây giờ bạn không chịu nâng cao bản thân, tận hưởng cuộc sống thì bạn còn chờ đợi đến khi nào đây? Đến khi bạn trở thành một bà/ông chú trung niên, liệu bạn có còn năng lượng và nhiệt huyết để bắt đầu “sống” không?
Những gì bạn không làm khi còn trẻ kết quả sẽ hiển hiện trên con người bạn trong tương lai. Nếu tuổi trẻ trong tay không có gì, không có chí tiến thủ, không có kế hoạch rõ ràng thì chắc chắn khi về già, bạn sẽ hối hận. Mà không biết chừng, thế gian này cũng sẽ không có “thuốc hối hận” để bạn uống đâu.
Vì vậy, khi còn có nhiều thời gian và không có nhiều ràng buộc, hãy đi tận hưởng cuộc sống. Nếu bạn thích đi du lịch, hãy dành cho bản thân một chuyến đi hoành tráng nhưng ý nghĩa. Nếu bạn thấy sức khỏe của mình ngày càng yếu đi, hãy rèn luyện sức khỏe và tập thể thao thường xuyên. Nếu da dẻ của bạn ngày càng xấu đi, hãy ăn thật nhiều rau củ và tập đi ngủ sớm. Khi bạn muốn làm một việc gì đó thì rất dễ nhưng cái khó là bạn có KIÊN TRÌ đến cùng hay không. Đó là điều khác biệt giữa những người tầm thường và phi thường.
Điều quyết định tất cả là phương thức tư duy của bạn. Nếu bạn có ý chí cầu tiến thì mọi việc sẽ rất suôn sẻ. Cuộc sống sẽ có muôn vàn khó khăn đang đợi bạn phía trước, đừng nghĩ rằng khi bạn vượt qua một cửa ải thì sẽ không còn có chuyện gì xảy ra nữa hết. Nếu suy nghĩ như thế thì bạn đã quá ngây thơ rồi. Hành trình gian nan và nhiều cửa ải khác còn đang đợi bạn ở phía trước đấy. Khi bạn hiểu rằng trước sau gì chúng cũng đến, tại sao phải mất niềm vui trước khi chúng đến chứ. Khi bạn luyện tập cho tinh thần mình ngày càng mạnh mẽ, bình tĩnh ứng phó mọi việc, và biết chuyển hưởng cục diện tiêu cực sang tích cực thì khi đó cuộc sống sẽ không gây khó dễ với bạn đâu.
Chình vì vậy, khi có thể hãy bắt đầu càng sớm càng tốt. Trong khi bạn chờ đợi, đã có biết bao người chạy trước bạn mất rồi. Trong khi bạn dành thời gian lướt Facebook, người ta đã đọc hết bao nhiêu quyển sách rồi. Khi bạn đang lo lắng, thì người ta đã dùng thời gian đó để thử nghiệm và dấn thân vào một thế giới mới để thử thách chính mình. Hãy nghĩ đến chi phí cơ hội (Opportunity cost) khi bạn làm bất cứ điều gì. Đừng đắm chìm vào ảo ảnh của sự so sánh, thay vì so sánh chi bằng dành thời gian đó làm một việc có ích cho bản thân và xã hội. Hãy biết tự kỷ luật chính mình, chắc chắn bạn sẽ gặt hái được nhiều thành quả mà bạn không ngờ tới.
| LỢI ÍCH CỦA MỘT CUỘC SỐNG CÓ KỶ LUẬT |
Một cuộc sống có quy luật sẽ cho bạn cảm giác an toàn và mang đến cho bạn cảm giác thành tựu nhất định. Tại sao lại như thế?
Vì đơn giản khi bạn sống có kỷ luật, bạn đều bản thân mình cần làm gì vào hôm nay, ngày mai và những ngày sau nữa. Đầu óc bạn đều có kế hoạch sẵn để làm chứ không phải lang thang đâu đó. Bạn sống có mục đích hơn.
Việc thực hiện và kiên trì một thời gian dài sẽ mang lại cho bạn những kết quả đáng mong đợi. Dần dần, từ việc đó bạn sẽ có nhiều kỹ năng, và tự hào về bản thân nhiều hơn. Đặc biệt, bạn sẽ có nhiều tự do hơn. Không những trong công việc, cuộc sống mà còn những khía cạnh khác như tình yêu, hôn nhân, bạn bè, vv.
| DUNG HÒA VỚI THẾ GIỚI LÀ MÔN HỌC BẮT BUỘC VỚI MỖI NGƯỜI|
Cho dù là tuổi trung niên, thế hệ 8x hay 9x đều có những trăn trở và những lo lắng riêng. Nỗi lo lắng, áp lực, và sợ hãi luôn luôn ập đến ở bất cứ giai đoạn hay độ tuổi nào. Từ những tin tức về những người tăng ca đến kiệt sức trên báo, đồ thị về chỉ số hạnh phúc ngày càng xuống. Chúng ta chỉ biết tự an ủi bản thân, tìm mọi cách để tự trấn an bản thân và xoa dịu nỗi lo lắng đang chực chờ mỗi phút mỗi giây.
Điều quan trọng mà chúng ta nên hiểu rằng là thế giới muôn hình vạn trạng, việc mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc và ổn định là một việc rất bình thường. Tuy nhiên, bạn đừng lấy chúng làm tiêu chuẩn cho mình vì không có gì trên thế gian này là ổn định mãi mãi cả. Bạn phải biết đứng vững giữa cục diện mất ổn định này. Học cách dung hòa với chính bản thân và thế giới xung quanh mình.
Vậy bạn phải làm như thế nào để dung hòa với thế giới?
Thứ nhất, dung hòa với chính bản thân, suy nghĩ và cảm xúc của chính mình trước đã.
Làm người nhất định phải biết thả lỏng, ngay cả khi gặp những chuyện khiến bạn căng thẳng thần kinh tột độ. Đừng tỏ ra tự cao tự đại, huênh hoang đi tiên chiến với thế giới, cho rằng mình là thông minh và giỏi nhất trên thế giới này. Ai cũng có những khuyết điểm riêng, hãy chấp nhận và dung hòa con người bình thường của mình. Không có gì là sai cả. Chỉ khi bạn chấp nhận chính mình thì mới tạo ra nhiều cơ hội mới để chào đón những điều mới mẻ vào thế giới của bạn.
Sống trên đời sẽ có nhiều lúc gian truân vất vả, không ai có thể đảm bảo sẽ xua đuổi hết những muộn phiền hay những điều bất hảo trong cuộc sống thay cho bạn. Cũng không có ai biết rằng ngày mai còn có điều gì “kinh khủng khiếp hơn hôm nay” đang chờ đợi bạn? Trưởng thành là khi bạn dung hòa với những cảm xúc của chính mình trước những điều tiêu cực và nỗi sợ hãi bên trong mình.
Khi bạn ngày càng lớn tuổi, bạn sẽ thấy thật ra không có bất cứ chuyện gì trong cuộc sống có thể làm bạn mất kiểm soát được nữa. Càng không có chuyện gì khiến bạn lo lắng và sợ hãi đến thâu đêm suốt sáng nữa. Nếu biết rằng những việc này cuối cùng rồi sẽ đến thì hà tất gì bạn phải mất niềm vui trước khi chúng đến chứ? Thay vì gào thét với thế giới, không thể thay đổi hiện trạng cũng không thể tiếp tục cố chấp chi bằng học cách tiếp nhận, trải nghiệm, thay đổi cục diện từ tuyệt vọng sang hy vọng cùng với một tinh thần lạc quan và vui vẻ.
Khi có những cảm xúc tiêu cực, bạn cũng thừa biết rằng nó ảnh hưởng đến bản thân và mọi mặt trong cuộc sống đến mức nào. Chúng khiến bạn mất niềm tin, lười nhác, mất niềm vui và ước mơ trong cuộc sống. Không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà còn những người xung quanh của bạn nữa.
Bạn có thể giải tỏa những cảm xúc tiêu cực ấy bằng cách hình thành cho bản thân một tự kỷ ám thị tích cực. Bạn có thể viết nhật ký, dùng con chữ để thể hiện cảm xúc. Cũng có thể trò chuyện với bạn bè, trao đổi về những suy nghĩ của mình. Cho dù là phương pháp nào đi nữa, mục đích cuối cùng vẫn là tự tin, tự mạnh mẽ và tự yêu thương. Cảm xúc tốt mới giúp cho lý trí của bạn sáng suốt, khiến cho con người tràn ngập niềm vui và tin yêu vào thế gian này.
Trong thế giới của những người trẻ tuổi cần phải xây dựng chức năng tự lọc, thanh lọc những cảm xúc không tốt một cách định kỳ.
Thứ hai, dung hòa với những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ mình.
Trong tất cả các suy nghĩ bi quan, điều dễ dàng trở thành cái cớ nhất chính là: sự phiền toái nhất là do gia đình mình sinh ra mang lại.
Chỉ số IQ không đủ là do gia đình mình, bố mẹ không thuộc tầng lớp tri thức, một nền tảng quá kém.
Tính tình không tốt là do gia đình mình tạo thành, từ nhỏ bố mẹ đã quá khắt khe mọi chuyện.
Chỉ số EQ thấp là do bố mẹ mình, lúc nào cũng không biết cách thể hiện tình cảm, chỉ biết la hét và quát mắng.
Bạn đã là một người trưởng thành rồi, đừng nên bị sự kiểm soát của gia đình kìm hãm sự phát triển của chính con đường bạn đang đi. Những gì xảy ra trong quá khứ không phải là trách nhiệm của bạn, chuyện về sau lại là do chính những lựa chọn của bạn quyết định hết đấy. Bạn cũng nên hiểu rằng, khi đã trưởng thành, quyền chủ động trong cuộc sống đang nằm trong tay bạn. Đừng hy vọng cha mẹ sẽ bảo bọc bạn suốt đời, điều đó chỉ đang biểu hiện của sự ỷ lại của một “em bé khổng lồ” mà thôi.
Viết những dòng trên như một sự an ủi cho bản thân mình. Qua bao nhiêu thăng trầm, lo lắng và sợ hãi, điều cuối cùng chúng ta cần học là thích nghi với sự thay đổi và biết cách tự dung hòa bản thân mình và thế giới.
| CÓ MỘT KHẢ NĂNG GỌI LÀ “THÂN THIÊN SINH LỢI NHUẬN” |
Điều này nói đến việc rất nhiều người cho rằng bất cứ lúc nào con người cũng nên cảm thấy vui vẻ trước, phải làm theo tính cách của mình, làm những việc mình thích, không bị xã hội đồng hóa cũng không bị xã hội dắt mũi. Thế nhưng, thương trường thường không phải như vậy. Bạn muốn có được thứ gì đó, bạn buộc phải bỏ ra công sức nào đó. Suy cho cùng “thân thiện sinh lợi nhuận” là một cách nói khác của giao tiếp tốt. Một người muốn làm một việc nào đó, cần phải giao tiếp tốt và hiệu quả.
Nếu trong cách quản lý hay điều hành của bạn quá cứng nhắc và uy củ thì khó lòng hiệu suất công việc sẽ tăng cao, mặt khác còn làm giảm nhuệ khí của nhân viên. Trong cuộc sống cũng như trong công việc, chúng ta cần linh động hơn. Đừng quá cứng nhắc và giáo điều quá nhiều. Điều này không có nghĩa là phá vỡ những quy tắc trước đó, chỉ là cách chúng ta hành xử và giải quyết vấn đề nên mềm mỏng và tinh tế hơn. Hài hòa thân thiện là một phẩm chất cơ bản mà một con người nên có. Phẩm chất đem đến sự hợp tác, hợp tác đem đến lợi ích, và đó cũng là lẽ đương nhiên.
Tóm lại, trong công việc cũng như trong kinh doanh, hành động quá cảm tính là một điều vô dụng nhất. Việc nổi nóng với khách hàng và hành động một cách thiếu lý trí sẽ mang đến cho bạn vô vàn hậu quả khó tránh. Đừng quá dễ dàng đẩy những đối thủ, thậm chí là bạn làm ăn về phía đối địch với mình. Bạn nên học cách khiêm tốn, hòa nhã, thân thiện với mọi người. Bình tĩnh giải quyết vấn đề luôn luôn là một thượng sách. Luôn để bản thân trong trạng thái kích động sẽ khiến cho bạn cảm thấy rất mệt mỏi.
So với việc sau này thu dọn tàn cục, thậm chí khiến cho kinh doanh lỗ vốn, chi bằng hãy lý trí một chút ngay từ đầu.
| TRONG CUỘC SỐNG KHÔNG NHỮNG PHẢI BIẾT PHÉP TRỪ, MÀ CÒN PHẢI BIẾT PHÉP CỘNG |
Đã từ lâu, chủ nghĩa tối giản là xu hướng của thời đại. Chúng ta đều biết rằng cùng chúng ta nên từ bỏ một số thứ không cần thiết: những bộ quần áo lỗi thời, những thói quen không tốt, những đôi giày cũ kỹ, những suy nghĩ tiêu cực, vv. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu rõ bên cạnh những buông bỏ ấy, chúng ta cần nâng cao bản thân ở những phương diện khác trong cuộc sống. Việc nâng cao cuộc sống cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.
Sau đây là 6 khía cạnh cốt yếu mà bạn nên tập trung nâng cao và “bổ sung” vào danh mục cuộc sống của mình:
1/ Việc nấu ăn
Bạn biết rõ việc ăn thường xuyên bên ngoài là một điều không tốt. Những quán ăn hay thậm chí những nhà hàng, món ăn đều rất ngon, khá đậm vị. Bởi vì chúng được đầu bếp thêm vào rất nhiều gia vị, trong đó có xì dầu. Xì dầu có chứa glutamate natri (mì chính) là một thành phần không tốt cho sức khỏe con người.
Hơn nữa, dầu ăn bên ngoài chưa chắc đã là dầu ăn tốt. Thường các loại dầu ăn nguyên chất thì giá lại rất cao. Các loại dầu mà các quán ăn hay sử dụng thường là dầu tái sử dụng.
Việc ăn bên ngoài nếu trở thành thói quen sẽ có hại cho sức khỏe của bạn. Bạn nên chú trọng sức khỏe của mình nhiều hơn, nghiên cứu nghệ thuật nấu ăn, nuôi dưỡng dạ dày của mình là một điều cần thiết. Hãy chọn cho mình một chế độ ăn nhiều rau củ, ăn nhiều đạm và hạn chế ăn những đồ nhiều thịt nhiều dầu đi.
2/ Rèn luyện sức khỏe
Bên cạnh thực phẩm dinh dưỡng cho cơ thể, vận động cơ thể là một cách giúp bạn kéo dài tuổi thọ, tăng sức đề kháng, giữ vóc dáng và cải thiện tâm trạng rất tốt.
Đừng lúc nào cảm thấy mình vẫn còn đang trẻ, vận động giúp kéo dài tuổi trẻ của bạn và làm chậm quá trình lão hóa. Điều này cũng cần thời gian và là một quá trình dài, không phải là việc có thể nhìn thấy kết quả một sớm một chiều, và bạn cũng không thể đợi đến lúc cần mới bắt đầu tập luyện, cần phải tạo nền tảng cho cơ thể trước.
Càng lớn tuổi thì sức đề kháng của bạn càng giảm. Thời còn trẻ, khi bị cảm lạnh uống ngay một cốc nước nóng là khỏi hẳn, còn khi đã lớn tuổi thì bạn cần phải truyền nước mới khỏi. Đó là thực tế mà bạn muốn hay không cũng phải thừa nhận.
3/ Đọc sách
Tác dụng của việc đọc sách chắc hẳn bạn cũng đã nghe qua rất nhiều đến nỗi “nhàm tai” luôn rồi, tuy nhiên không thể phủ nhận sách mở rộng tư duy và làm phong phú tâm hồn của bạn rất nhiều.
Mỗi cuốn sách đều có giá trị chân lý riêng của nó. Một người thường hay đọc sách là một người có giáo dục và có trí tuệ tốt. Vậy bạn nên đọc những loại sách gì? Điều này còn tùy thuộc ở tính cách và khả năng tiếp nhận thông tin từ những loại sách bạn đọc.
Một quyển sách hay là khi bạn yêu thích, có thể rút ra nhiều bài học cho bản thân mình thì đó đã gọi là hay rồi. Mỗi người đều có những khái niệm “hay” khác nhau, miễn sao chúng cho bạn một bài học riêng sau khi gấp sách lại.
Vì vậy, hãy dành thời gian nhiều hơn cho việc đọc sách để trở nên thông thái hơn nhé.
4/ Phong cách ăn mặc
Ngoài việc bỏ đi những bộ quần áo cũ kỹ, và không còn phù hợp với mình nữa thì bạn có thêm vào những món đồ phù hợp và thoải mái hơn khi mặc. Gu thẩm mỹ, sự hiểu biết về chất liệu, kết hợp cùng với những bộ quần áo trên người sẽ khiến cho bạn tự tin và thu hút hơn.
5/ Kỹ năng chuyên môn
Việc trau dồi kỹ năng và liên tục nâng cao chúng là một phần quan trọng. Khi bạn có kỹ năng chuyên môn thì đi đâu bạn cũng sẽ không sợ thất nghiệp. Khi bạn có chuyên môn cao thì chất lượng cuộc sống của bạn cũng ngày một tốt hơn và các mối quan hệ cũng ngày một mở rộng hơn.
Năng lực là chìa khóa mở ra rất nhiều cánh cửa cơ hội cho bạn. Nó quyết định bạn sẽ ngồi ở vị trí nào, gặp gỡ những ai, mở ra cho bạn một môi trường mới, để bạn tiếp xúc với những mối quan hệ cao hơn.
Khi bạn có thực lực, bạn sẽ thấy bạn của ngày xưa và bạn của hôm nay là khác nhau hoàn toàn. Những người bạn trước đây của bạn sẽ ngày càng trở nên xa lạ, vì thực lực của các bạn ngày càng xa cách nhau, nơi các bạn đến cũng không giống nhau, người các bạn gặp cũng sẽ trở nên khác hơn, thì sự giao lưu sẽ càng thưa thớt cho đến khi không còn sự liên lạc nào nữa.
Vì vậy, nâng cao thực lực và chuyên môn luôn là yếu tố quan trọng trên con đường thăng tiến trong sự nghiệp và sự viên mãn trong cuộc sống của bạn.
6/ Kiểm soát
Kiểm soát ở đây là kiểm soát cảm xúc của chính bản thân bạn. Người thực sự mạnh mẽ nhất là người có thể kiểm soát và quản lý cảm xúc của mình tốt nhất. Họ tuyệt đối không để cho cơn giận “tự ý tung hoành”.
Suy cho cùng, các mối quan hệ giữa người với người đều dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Chúng ta không thể làm việc dựa trên sự tùy hứng của bản thân, mà cần tổng hợp, phán đoán và cân nhắc lợi hại của sự việc.
Nâng cao khả năng kiểm soát của bản thân là nâng cao khả năng bao dung và nhã nhặn của bản thân. Hãy lùi một bước khi nhận thức cơn giận đang trào dâng trong lòng bạn, hít một hơi thở thật sâu và bình tĩnh giải quyết vấn đề. Càng lớn tuổi, càng phải hiểu rõ không nên quá kích động khi có điều không như ý xảy ra. Càng bình tĩnh thì khí chất càng toát ra trên con người bạn.
| QUY TẮC TRÒ CHƠI CỦA NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH, BẠN LÀM ĐƯỢC MẤY ĐIỀU? |
1/ Yêu cầu nhận được cao hơn thực lực là một điều cấm kỵ trong cuộc sống
Bạn có quyền kiêu ngạo. Nhưng đừng cậy tài mà xem thường người khác, quá chìm đắm vào những giấc mơ viển vông phi thực tế. Bạn phải xem khả năng mình như thế nào trước khi yêu cầu người khác phải chú ý đến bạn.
2/ Công việc là công việc, cuộc sống là cuộc sống
Công việc là một công việc bắt buộc phải làm trong cuộc sống, sinh sống cũng vậy.
Ai cũng mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp, ấm no hạnh phúc nhưng chúng ta cũng đừng nên để áp lực công việc ấy len lỏi vào cuộc sống thường nhật của chúng ta, như vậy sẽ rất mất nhiều niềm vui.
Bạn nên tách biệt và tìm cách cân bằng công việc và cuộc sống. Lời khuyên này có vẻ nghe sáo rỗng trong thời đại mà người ta luôn chú trọng sự bận rộn và hối hả.
Trong công việc, bạn không nên để những vụn vặt trong đời sống thường nhật ảnh hưởng và ngược lại. Suy cho cùng, tất cả rồi cũng sẽ qua đi, và bạn chỉ có một đời để sống. Đừng phí hoài vào những chuyện vụn vặt, nhỏ nhặt và tiêu cực. Hãy tận hưởng cuộc sống một chút. Khi chơi hay chơi hết mình. Khi học hãy học thật chăm chỉ. Khi bận, hãy tập trung hết sức vào công việc. Đừng để cảm xúc, chuyện tình yêu hay những chuyện vặt vãnh ảnh hưởng đến kế hoạch sống của bạn.
3/ Học cách dừng mọi tổn hại
Tuổi trẻ, sức lực và sự kiên nhẫn của bạn có hạn. Đừng lãng phí thời gian vào những việc không quan trọng và cần thiết.
Một công ty không có điều kiện để tăng lương thăng chức cho bạn, cũng không mang đến cho bạn bất cứ sự tiến bộ và trưởng thành nào, càng không có tinh thần đoàn kết với nhau, vậy việc bạn vẫn lưu lại đó có ý nghĩa gì chứ?
Trong công việc là như vậy, trong tình yêu càng phải như vậy.
Một người đàn ông/phụ nữ vốn không đặt bạn trong kế hoạch cuộc sống của anh/cô ta. Không chia tay còn đợi để lãng phí tuổi thanh xuân của mình ư?
Bạn phải học cách dừng mọi tổn hại trước khi quá muộn. Đó là biểu hiện của một người trưởng thành. Bạn phải học cách sử dụng thời gian, sức lực vào những việc đáng làm, chứ không phải những người khiến bạn bị tổn thương tinh thần.
4/ Những người “biết chơi” mới có tương lai
Sống một cuộc sống muôn màu này, bạn cũng học cách tự giễu, học cách hài hước. Đừng quá nghiêm túc, đôi khi lại gây tác dụng phụ. Biết tận hưởng khoảnh khắc cùng những người bạn yêu thương, cười nhiều hơn và hòa vào tiết tấu của cuộc sống này, cuộc sống của bạn sẽ rực rỡ hơn rất nhiều.
5/ Quản lý tài chính
Học cách tiêu tiền cũng là một kỹ năng mà bạn cần phải học. Bạn cần có một kế hoạch rõ ràng và cụ thể để chuẩn bị cho những kế hoạch tiếp theo. Nếu không biết cách thì tiền của bạn chỉ có thể đứng yên trong thẻ ngân hàng của bạn mà thôi.
6/ Biết chú ý lời ăn, tiếng nói của bản thân
Thẳng thắn không phải là lá chắn bạn dùng để che đậy cho việc nói năng không đúng chừng mực của mình, nói năng không đúng hoàn cảnh chính là do chỉ số IQ thấp.
Bạn nên biết mình nên làm gì, không nên làm gì, biết bản thân mình muốn gì và hãy lý trí một chút. Nếu có thời gian để vạ miệng và bàn về người khác, chi bằng hãy dùng thời gian để đọc sách, xem một bộ phim hay, ít nhất là bạn có thêm kiến thức. Đừng quá thị phi vì đối với một người trưởng thành đó là một việc vô cùng ấu trĩ.
Lời kết
Cuộc đời bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn. Lựa chọn quan trọng nhất là bạn sẽ làm gì với số phận và vận mệnh của mình. Sống buông thả hay có quy tắc bạn luôn phải chịu trách nhiệm về chúng. Đừng để sau này khi về già rồi tất cả những gì còn lại trong bạn chỉ là sự hối tiếc về những cơ hội đã vụt mất khi tuổi trẻ còn huy hoàng. Hy vọng Càng kỷ luật càng tự do của Ca Tây sẽ là một nguồn động lực mạnh mẽ để giúp bạn thay đổi bản thân vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn - Bookademy
Hình ảnh: Tuyết Sơn - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Bạn càng kỉ luật, bạn càng có được tự do. Ở độ tuổi 23, sau khi trải nghiệm một mớ những hỗn độn trong cuộc sống, với cái cách tôi nghèo nàn sắp xếp đời mình ít năm về trước, tôi biết rằng thứ mình cần là KỶ LUẬT. Lóe lên trong đầu của tôi thời điểm đó là tôi cần một vài bằng chứng chỉ ra rằng kỉ luật giúp con người ta sống cuộc đời của họ tốt hơn, vươn tới mục tiêu của họ một cách ưu việt hơn ? Hoặc có khả năng, kỉ luật là một khái niệm miễn cưỡng đang chống lại sự tự do và nó đang là một điều bất đắc dĩ? Đó là cái cách tôi hiểu cái quyển sách thông qua tiêu đề. Tuy nhiên, nội dung bên trong nó hoàn toàn không theo đúng hướng so với cái tiêu đề hay thậm chí là phần giới thiệu. Nó là về việc tái xác nhận hoặc lời khẳng định để làm bản thân bạn tin rằng kỉ luật thì thiết yếu cho cuộc sống, những nhân tố nào đẩy bạn ra khỏi những thói quen tốt và cách phục hồi. Đó không chỉ là một câu rất ngắn kêu gọi hành động mà bạn tốt nhất nên có đam mê hơn, cuộc sống này là của bạn, thôi nào làm gì đó đi chứ, đại loại như vậy.
Tuy nhiên, không có sự diễn đạt cụ thể với những thực hành thực tế, tôi cảm thấy thật sự khó để đón nhận thông điệp mà tác giả cố truyền tải. Thay vào đó. Tôi thích hơn việc đọc “Tony Buổi Sáng - Cà Phê Cùng Tony ’’ và “Trên Đường Bằng”, chúng tốt hơn nhiều trong việc lĩnh hội các thông điệp của nó.