Tôi ngẫu nhiên biết đến “Người đua diều” vào một buổi chiều mùa hè oi ả tại thư viện trường đại học. Trong vòng 2 tiếng đồng hồ liên tục, tôi ngấu nghiến hết cuốn sách. Quả đúng như nhận xét của những tờ báo tiếng tăm, những nhà phê bình nổi tiếng, “Người đua diều” xứng đáng là International Bestseller: “Một tiểu thuyết đẹp đẽ… Nằm trong số những tác phẩm được viết ra tinh tế và khơi gợi nhất cho tới giờ phút này… Một câu chuyện làm cảm động trái tim về một tình bạn khác thường… Đó cũng là một tác phẩm thuyết phục kì lạ, về mối quan hệ mong manh giữa cha và con, giữa con người và thần thánh, giữa cá nhân và đất nước…” (The Denver post). Cuốn tiểu thuyết đầy lôi cuốn đã đưa tôi đi hết mọi cung bậc cảm xúc, vui có, xót xa có, căm phẫn có, ngạc nhiên có,… - điều mà tôi chưa từng trải nghiệm được từ bất cứ cuốn tiểu thuyết nào. Tôi thực sự bị choáng ngợp với những gì được viết nên trong đó.
Cuốn tiểu thuyết là lời tự thuật của nhà văn Mỹ người Afghanishstan – Amir. Phần đầu của tác phẩm miêu tả một Afghanishstan hoàn toàn khác so với tưởng tượng của tôi. Đó là một Afghanishstan tươi đẹp, bình yên, một Afghanishstan tự do với những người dân tự do. Chính tại nơi đây, Amir đã cùng với người bạn của mình – Hassan trải qua những năm tháng tuổi thơ. Một Amir và một Hassan, một chủ một tớ, một người anh và một người em, cùng nắm tay nhau trưởng thành.
“Khi còn là hai đứa trẻ, Hassan và tôi thường trèo lên những cây bạch dương trên con đường xe chạy vào nhà cha tôi, và dùng một mảnh gương chiếu ánh nắng vào nhà những người hàng xóm của chúng tôi làm họ tức giận. Chúng tôi thường ngồi chéo nhau, trên một cặp cành cây cao, chân trần đung đưa, túi quần đầy quả dâu tằm phơi khô và quả óc chó, thay nhau chiếu gương, vừa ăn dâu tằm vừa ném vào nhau, khúc khích, cười vang. Tôi vẫn như còn thấy Hassan trên cái cây đó, nắng lung linh xuyên qua kẽ lá chiếu lên khuôn mặt gần như tròn xoe của cậu, một khuôn mặt giống như búp bê Tàu được gọt từ gỗ cứng: mũi nở và tẹt, mắt vừa hẹp vừa xếch như lá tre, đôi mắt nếu nhìn vào, tùy theo ánh sáng, lúc vàng, lúc xanh, lúc cả màu ngọc bích nữa…”
Tuổi thơ của hai người bạn đã trôi qua như vậy, bình thản, an yên, nhưng “life is not always what you expect” (tạm dịch: cuộc đời không phải luôn là những gì chúng ta mong muốn – Helen Downing), hiển nhiên luôn có những biến cố tất yếu xảy ra. Amir và Hassan, dù là bạn từ thuở tấm bé, nhưng khác biệt về thân phận, về chủng tộc luôn khiến họ có những khoảng cách. Amir, với khao khát cháy bỏng về tình thương của người cha, luôn cảm thấy ghen tị với sự quan tâm mà cha cậu dành cho Hassan. Bên cạnh đó, với xuất thân là “con nhà giàu”, quen được phục vụ, hầu hạ, Amir có phần nào đó hơi ích kỉ, nhỏ nhen. Chính những điều ấy đã dẫn đến sự kiện mùa đông năm 1975 – lần cuối cùng Amir nhìn thấy Hassan nở nụ cười.
Mùa đông năm 1975 là lần đầu tiên tác giả gài hình ảnh cánh diều và cuộc đua diều vào trong tác phẩm, hiển nhiên, nó là đánh dấu cho bước ngoặt mới của cả thiên truyện. Cánh diều năm ấy là niềm hi vọng của Amir về sự gắn bó với cha mình. Cậu đã đặt tất cả sự cố gắng của mình vào cánh diều ấy, khát khao có được chiến thắng. Nhưng tình thương mà giành giật thì thường luôn phải trả giá, và cái giá Amir phải trả cho sự hèn nhát của mình không hề rẻ mạt – đó là nụ cười của người bạn thân thiết nhất đời cậu. Nấp sau bức tường chứng kiến người anh em của mình bị nhục mạ nhưng vì hèn nhát và vì suy nghĩ “cậu ấy không phải bạn mình” nên Amir đã không dám đứng ra bảo vệ Hassan.
Phần sau của tác phẩm là cuộc đời của Amir sau khi sang Mỹ sinh sống vì quê hương bị xâm lược. Dù cho rằng Mỹ là nơi mình có thể chạy trốn khỏi quá khứ nhưng chưa khi nào Amir thôi tự dày vò bản thân vì những lỗi lầm đã xảy ra, anh tự cho mình là kẻ phản bội, kẻ lừa dối. Thậm chí ngay cả khi đã có cuộc sống sung túc hơn, Amir cũng không thể nào cảm thấy thanh thản. Hình phạt ấy có lẽ còn đau khổ hơn bất cứ nhục hình nào khác trên thế giới, nó như bóng ma vây lấy Amir, bóp nghẹt trái tim anh mỗi khi anh nghĩ về những gì mình đã làm. Nhưng suy cho cùng, khi cuốn tiểu thuyết khép lại, Amir cũng đã phần nào đó chuộc được sai lầm, dù cho cái giá quá đắt…
Tình bạn của Amir và Hassan, nếu phải miêu tả trong hai chữ, tôi chắc chắn sẽ dùng hai chữ “kì lạ”. Nó kì lạ bởi những sợi chỉ vô hình của các mối quan hệ khác ràng buộc xung quanh nó. Đó là sợi chỉ của tình thân, huyết thống, của định kiến xã hội, của tín ngưỡng. Amir và Hassan của những năm tháng ấu thơ vừa là bạn lại vừa như không phải là bạn. Cả hai đều mất mẹ từ sớm, phải bú chung cùng một bà vú. Theo như quan niệm của người dân Afghanishstan:
“Có một tình anh em giữa những con người được bú cùng một bầu vú mẹ, tình máu mủ mà ngay cả thời gian cũng không thể phá vỡ. Hassan và tôi bú cùng một bầu vú. Chúng tôi chập chững đi những bước đầu tiên trên cùng một bãi cỏ trong cùng một chiếc sân. Và dưới cùng một mái nhà, chúng tôi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên.
Của tôi là Baba.
Của cậu ấy là Amir. Tên tôi.”
Trớ trêu thay, Amir lại không nhận ra được tình cảm đó từ sớm, đôi lúc anh còn băn khoăn tự hỏi không hiểu mình có coi Hassan là bạn không. Chỉ cho đến khi mất đi Hassan, anh mới hối hận thấy được sự quan trọng của người mà anh luôn xem thường. “For you, a thousand times over” – “vì cậu, cả ngàn lần rồi”, câu nói của Hassan với Amir có sức ám ảnh lạ kì, đến độ, mỗi lần kí ức về Hassan tràn về trong tâm trí Amir, tôi lại có cảm giác mình đang đứng cạnh Amir giữa đồng cỏ lộng gió, lắng nghe tiếng gọi ấy vang lên quanh quẩn đâu đây và lặng nhìn hình bóng người bạn chạy vụt đi cùng nụ cười đôi môi hẻ…
Hassan, những tưởng sau những điều mà cậu phải trải qua: bị làm nhục, bị xem thường, bị phản bội, cậu sẽ sinh lòng hận thù với những kẻ đã ngược đãi cậu. Nhưng không, Hassan vẫn luôn là Hassan lúc mới sinh ra – cậu không thể làm tổn thương bất kì ai, và cũng không thể ghét bất kì ai. Bất chấp việc bị Amir phản bội, chưa một lần nào Hassan lên tiếng hỏi một câu tại sao. Cậu chấp nhận việc đó như thể nó hiển nhiên phải vậy. Và sau hàng chục năm xa xứ, khi nhận được lời mời trở về căn nhà xưa để tiếp tục trông nom cơ ngơi cho cha của Amir, Hassan đã không đắn đo mà gật đầu. Một Hassan vị tha, bao dung và nhân hậu nhường ấy, có lẽ xứng đáng với một cuộc sống tốt đẹp hơn…
Bên cạnh câu chuyện về tình bạn kì lạ giữa Hassan và Amir, Khaled Hosseini còn xây dựng bên lề những mối quan hệ kì lạ nhưng gắn bó khăng khít với nhau, những mối quan hệ đó giống như chất xúc tác, lúc thì đẩy hai người bạn ra xa nhau, lúc lại bất chợt đưa họ trở về cuộc đời nhau như quỹ đạo vốn có. Đó là mối quan hệ huyết thống, là niềm tin vào tín ngưỡng, là niềm tự hào và yêu thương quê hương, là những văn hóa, những luật lệ bất thành văn,..
“…Tôi cúi lạy về phía Tây. Rồi tôi nhớ mười lăm năm nay tôi chưa từng cầu nguyện. Từ lâu tôi đã quên hết câu cú. Nhưng không quan trọng, tôi sẽ thốt ra mấy từ tôi vẫn còn nhớ: La illaha il Allah, Muhammad u rasul ullah. Không có Thượng đế nào ngoài Đức Allah và Muhammad là Sứ giả của Người. Bây giờ, tôi mới thấy là Baba nhầm, có một Thượng đế, luôn luôn có một Thượng đế. Tôi thấy người ở đây, trong những con mắt của mọi người nơi dãy hành lang tuyệt vọng này…”
Dù cho những quan niệm này có phần nào lạc hậu nhưng chúng là đức tin, là máu chảy trong huyết quản của mỗi người con Afghanishstan, họ không thể chối bỏ cũng như không bao giờ chối bỏ chúng. Những mối quan hệ luôn song hành với nhau, bao trùm lên toàn bộ tác phẩm, phủ cho “Người đua diều” một màu sắc văn hóa riêng, văn hóa của Afghanishstan.
Bên cạnh câu chuyện về tình bạn, tình anh em, tình yêu quê hương xứ sở, Khaled Hosseini còn đem lại cho chúng ta bài học về danh dự, tội lỗi và cách làm người. Bị ảnh hưởng bởi tập quán Afganishstan nên hiển nhiên các quan niệm về danh dự cũng rất khác, nó hà khắc và được xem trọng bậc nhất trong xã hội. Tội lỗi, một khi phạm phải, dù là nhỏ nhất, người phạm lỗi cũng cần phải trả giá cho tội lỗi mình đã gây ra. Bằng chứng là Amir và cha của cậu đã phải day dứt gần như cả cuộc đời, tìm mọi cách để giúp lương tâm của mình được thanh thản. Nhưng cha của Amir lại không chiến thắng được thời gian, ông ôm xuống mồ món nợ còn chưa kịp trả. Amir may mắn hơn, anh đã tìm được con đường để quay trở lại, trả món nợ năm của cha và của chính mình. Phải chăng, cho đến cuối cùng, luôn luôn có con đường để tốt trở lại – “There is a way to be good a gain.”
Điều đặc biệt gây sức ám ảnh và tầm ảnh hưởng của tác phẩm này là ở hình ảnh cánh diều và cuộc đua diều xuất hiện trong hai bước ngoặt lớn của truyện. Cánh diều tượng trưng cho hi vọng. Ở lần đầu tiên, nó tượng trưng cho hi vọng của Amir về tình thương của người cha, nhưng chính nó cũng khiến cho cuộc đời của hai cậu bé rẽ sang những hướng khác. Lần thứ hai xuất hiện, cánh diều mở ra một chương mới tươi sáng hơn sau tất cả những gì qua. Kết truyện tuy không hoàn mĩ nhưng khiến con người ta lấy lại được niềm tin vào cuộc sống.
Không chỉ phản ánh về những mối quan hệ trong gia đình, thông qua tác phẩm, Khaled Hosseini còn kín đáo tố cáo chiến tranh phi nghĩa, vạch trần sự thật về những đau đớn mà người dân Afghanishstan đang ngày ngày chịu đựng. Họ bị tước đi những giá trị nhân thân mà họ đáng ra phải có, họ mất đi niềm vui, hạnh phúc, nụ cười, họ mất đi mảnh đất quê hương, khiến cho chính họ còn cảm thấy như một khách du lịch trên đất nước của chính mình”.
Với giọng văn miêu tả đầy chất thơ, nhẹ nhàng, sâu lắng, không phức tạp, không ẩn dụ khó hiểu, Khaled Hosseini đã dẫn người đọc đi qua hết lịch sử Afghanishstan, phơi bày những góc sáng tối trong tâm hồn con người nơi đây, và trên tất thảy, ông khiến người đọc bày tỏ sự tiếc nuối đối với sự tàn lụi của một nền văn hóa đầy kiêu hãnh và độc nhất vô nhị.
“Tôi yêu mùa đông ở Kabul. Tôi yêu nó vì những bông tuyết mềm mại vỗ nhẹ vào cửa sổ phòng tôi ban đêm, vì tuyết mới rơi lạo xạo dưới đôi ủng cao su đen của tôi, vì hơi ấm của chiếc lò sưởi gang khi gió rít qua sân, qua đường phố…”
Những người đua diều – Amir và Hassan – chạy đua với thời gian, với chiến tranh, với những khát khao, những hi vọng, họ mong muốn tận hưởng chiến thắng dù cho đôi tay bị dây diều cước đến bật máu. Sống trong sự nghèo khổ, đau thương, bị ruồng bỏ, hắt hủi nhưng chưa khi nào niềm tin vào thần thánh, tín ngưỡng, vào tương lai, vào cuộc sống của họ bị vùi dập. Trái lại, nó luôn cháy âm ỉ, tiếp cho họ sức mạnh để sửa sai, để thôi dằn vặt chính mình và đem lại cho người khác cuộc đời hứa hẹn hơn.
Tác giả: Phương Lan – Bookademy
----------------------------------
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: partner.bookademy@gmail.com
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn
“Người đua diều” là câu chuyện ám ảnh về tình bạn và sự chuộc lỗi, nhưng đồng thời cũng mang đến thông điệp về hy vọng và lòng nhân ái. Khaled Hosseini đã xây dựng nhân vật Amir một cách chân thực, với những yếu đuối và mâu thuẫn trong tâm hồn. Ngược lại, Hassan là biểu tượng của lòng tốt và sự hy sinh. Tác phẩm còn tái hiện chân thực hình ảnh Afghanistan trước và sau chiến tranh, từ những khu phố thanh bình ở Kabul đến nỗi đau ly tán của người dân. Hình ảnh cánh diều vừa đẹp đẽ vừa bi thương, gợi nhớ về tuổi thơ và những vết thương không thể chữa lành. Đây là một tác phẩm lay động lòng người, khiến người đọc không ngừng suy tư về nhân sinh.