Trên thế gian, vốn dĩ không có con đường nào bằng phẳng và ai cũng cần nghị lực để đạp đổ những chướng ngại vật cản đường. Hãy cứ xem mọi khó khăn đều là thử thách, thay vì dễ dàng khuất phục hãy dũng cảm chinh phục. Thành quả mà cuộc đời ban tặng chúng ta nếu không phải là thành công, thì nhất định sẽ là bài học. Bởi chúng ta sinh ra để sống từng ngày trọn vẹn, bởi chúng ta sinh ra không phải để buồn…
Xét về nội dung “Mình sinh ra đâu phải để buồn” vẫn chung đề tài với những cuốn tản văn trước đó của Hamlet Trương và Iris Cao. Cuốn sách như một món quà ý nghĩa về mặt tinh thần, nó chứa đựng những lời an ủi động viên vượt qua nỗi buồn trước mắt và quan trọng hơn hết hãy luôn yêu thương quý trọng bản thân mình.
Mở đầu cuốn sách, là những dòng tâm sự từ cô gái Iris Cao đa sầu đa cảm. Vẫn như những cuốn sách trước kia, giọng văn của Iris Cao dường như không có sự thay đổi. Đó vẫn là những lời tự sự mang đậm dấu ân cá nhân, như chính tác giả đang kể về câu chuyện cuộc đời mình. Các nhân vật của Iris Cao thường dùng ngôi kể “tôi” để dẫn dắt nội dung cần truyền tải. Những câu chữ từ cô giống như cuốn nhật ký vụn vặt ghi chép lại những dòng cảm xúc bâng quơ,vài câu chuyện nhỏ nhặt, hay đôi ba người nào đó đến và đi trong cuộc sống thường ngày. Có câu chuyện nói về nỗi đau của sự phản bội, vị đắng của hai chữ chia tay.
Iris Cao đã thổ lộ rằng “Cảm ơn người đã buông tay em tàn nhẫn như thế”. Đối với cô, khi yêu người ta sẽ thể hiện bằng trăm ngàn phương cách, nhưng khi tình đã nhạt bấp bênh trên bờ vực ly tan, khi ấy ta hãy học cách chia tay càng lạnh lùng, càng nhẫn tâm, sẽ càng dứt khoát. Đau một lần để tỉnh mộng, để xem nỗi đau ngày hôm ấy là động lực để sống tốt đẹp ở tương lai. Tiếp nối chặng hành trình dài của tình yêu, Iris Cao dẫn dắt chúng ta đi qua nhiều cảm xúc, từ đau khổ cay đắng đối diện với cuộc chia ly, cho đến những xúc cảm dịu dàng hơn khi thần tình yêu gõ cửa.
Sự thay đổi mang chiều hướng tích cực của Iris trong cuốn sách này chính là thoát ra khỏi cái bóng hạn hữu của tình yêu, cô đề cập đến tình cảm gia đình, cô nói về đức hy sinh, sự nhọc nhằn của người mẹ trong những câu chuyện như: “Còn gia đình là còn tất cả” hay “Thương mẹ quá trời”. Nhưng câu chuyện tôi tâm đắc nhất trong phần của Iris Cao chính là “Thanh xuân của người phụ nữ”. Tôi tin rằng đây là những câu chữ khiến rất nhiều cô gái tự nhìn lại bản thân mình và sực tỉnh, lâu nay họ đang sống vì mục đích gì? Tuổi xuân từng ngày trôi đi, họ đã làm gì để thời son sắc không trôi qua lãng phí?
Nếu như ta so sánh phong cách văn chương của Iris Cao như một cô em gái mộng mơ đôi khi còn nhõng nhẽo, thì ở Hamlet Trương chính là người đàn ông từng trải, nhìn cuộc đời bằng lăng kính thực tế nhưng không cực đoan, nhẹ nhàng mà vô cùng tỉnh táo. Anh không nói về những vui buồn hờn giận xoay quanh chuyện tình yêu đôi lứa, bởi những điều ấy có lẽ phù hợp hơn với văn phong của Iris Cao đa sầu đa cảm. Ở đây, tác giả Hamlet Trương chọn cách hành văn ngắn gọn mà sâu sắc, chân phương giản dị mà thấm thía vô cùng. Những chia sẻ từ anh hệt như hạt muối được kết tinh, chắt lọc từ đại dương vô vàn trải nghiệm. Anh nói rằng khi lớn lên bạn sẽ nhận ra rất nhiều cay đắng, rằng khi ta làm đúng hàng trăm lần không ai nhìn thấy, nhưng chỉ cần sai sót một lần thôi thì ai cũng có thể bỉ bai chà đạp. Đó là sự thật hiển nhiên rồi, chúng ta chỉ còn cách mỉm cười và chấp nhận thôi.
Hamlet Trương chia sẻ với chúng ta hãy học cách làm một người diễn viên xuất sắc để sống cho trọn vẹn vai diễn cuộc đời. Hãy học cách nói xin chào, xin cảm ơn và đừng quên lời xin lỗi. Biết nhận sai đúng lúc chính là đức tính của người đã trưởng thành. Tất nhiên điều ấy không đồng nghĩa với việc ta luôn đeo trên mình chiếc mặt nạ dối gian, giả tạo. Chỉ là khi ta đã lớn, hãy học cách kìm nén cái tôi ngông cuồng nông nổi. Vì trường đời khác rất xa trường học, mỗi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền, bằng danh dự, thậm chí là rất nhiều nước mắt.
Trong câu chuyện “Dậy đi, chạy đi” lại là một lời thôi thúc động lực sống mạnh mẽ của mỗi chúng ta, câu chuyện từ anh như một cú hích, một liều thuốc tăng lực khiến ta vùng dậy chiến đấu để sinh tồn. “Khi mặt trời mọc, con linh dương biết một điều, nếu nó chạy không nhanh nó sẽ làm mồi cho con cọp. Mỗi ngày mặt trời mọc, con cọp cũng biết rằng, nếu nó không chạy nhanh bằng con linh dương nó sẽ chết đói…”
Với câu chuyện “Khủng hoảng tuổi 30” giọng văn Hamlet Trương lại có phần chùng xuống. Anh nhẹ nhàng tâm sự như đang bộc bạch chính suy nghĩ của mình. Tuổi 30 ta loay hoay với gánh lo gạo, tiền, cơm, áo. Khi ta 30 cũng lúc ba mẹ đã chùn chân mỏi gối phía bên kia đỉnh dốc cuộc đời. Chữ tình, chữ hiếu đè nặng trên vai, còn ta vẫn mệt nhoài khi công danh sự nghiệp vẫn còn dang dở. Nhưng Hamlet Trương vẫn luôn biết cách dịu dàng trấn an độc giả, anh cho rằng tuổi 30 cũng là thời điểm chúng ta học cách uốn nắn bản ngã cá nhân mình, ta tôi luyện tính mạnh mẽ can trường sau rất nhiều biến cố. Ta trầm tĩnh hơn, sâu sắc hơn, và đó cũng là lúc ta đã trưởng thành hơn.
Toàn bộ nội dung cuốn sách “Mình sinh ra đâu phải để buồn” đều xoay quanh dòng chữ nhan đề ấy. Iris Cao tâm sự chuyện tình yêu, tình thân và tình cảm gia đình. Hamlet Trương lại thức tỉnh chúng ta bằng những thông điệp đầy lý trí về ước mơ, lối sống, về sự nghiệp. Nhưng bằng cách này hay cách khác, với những lối suy nghĩ và hành động cũng chẳng giống nhau. Chung quy lại, cả hai ngòi bút ấy vẫn kết tinh lại cùng quan điểm “Hạnh phúc sẽ luôn trở lại, không ở dạng này thì ở dạng khác, không cùng người này thì cùng người khác. Cứ như con người được sinh ra để tìm thấy hạnh phúc quanh mình, dẫu đôi lần bị hoàn cảnh che mờ đôi mắt. Hãy cứ tin “Mình sinh ra đâu phải để buồn”.
Chúng ta, những người trẻ tuổi đang loay hoay đứng giữa ngã ba đường. Ai rồi cũng đến lúc phải rơi vào thời kì quá độ đầy sóng gió, ta chưa đủ lớn khôn để tự thấy mình dạn dày từng trải, nhưng cũng không còn quá non trẻ để luôn nhìn cuộc đời vui vẻ, hồn nhiên. Cái giá của sự trưởng thành chính là những nỗi buồn giăng mắc, là những lần ta cô đơn tuyệt vọng chẳng thể tìm thấy lối ra, là những khi ta nhận thấy thành công còn ở quá xa còn thất bại cứ chất chồng lên cao ngất. Nhưng trên thế gian, vốn dĩ không có con đường nào bằng phẳng và ai cũng cần nghị lực để đạp đổ những chướng ngại vật cản đường. Hãy cứ xem mọi khó khăn đều là thử thách, thay vì dễ dàng khuất phục hãy dũng cảm chinh phục. Thành quả mà cuộc đời ban tặng chúng ta nếu không phải là thành công, thì nhất định sẽ là bài học. Bởi chúng ta sinh ra để sống từng ngày trọn vẹn, bởi chúng ta sinh ra không phải để buồn.
Cuốn sách nhỏ bé này không thể là người nắm tay bạn, dẫn lối chỉ đường. Nó cũng không mang tính học thuật quá cao siêu để trở hành kim chỉ nam cho chúng ta hành động. Nhưng nó đã làm rất tốt vai trò một người bạn tinh thần, là những lời động viên chân thành và cần thiết. Để mỗi chúng ta không còn cô đơn lạc lõng trong chính tuổi trẻ của mình.
Nguồn sưu tầm: https://goo.gl/8oz6bE
------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: partner.bookademy@gmail.com
"Mình Sinh Ra Đâu Phải Để Buồn" không chỉ là một cuốn sách chứa đựng những câu chuyện, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ tinh tế. Ngôn ngữ trong sách vừa gần gũi, đời thường, lại vừa mang đậm chất thơ, tạo nên một sức hút khó cưỡng.
Một ngôn ngữ gần gũi, đời thường: Các tác giả đã rất khéo léo khi sử dụng những từ ngữ, câu văn đơn giản, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Điều này giúp cho độc giả dễ dàng hình dung và đồng cảm với những câu chuyện được kể. Ngôn ngữ như một làn gió mát, xoa dịu những tâm hồn đang mệt mỏi.
Chất thơ ẩn chứa trong từng câu chữ: Bên cạnh sự giản dị, ngôn ngữ trong sách còn chứa đựng nhiều hình ảnh thơ mộng, những câu văn giàu cảm xúc. Từng câu chữ như những viên ngọc nhỏ, lung linh và đầy sức gợi. Điều này tạo nên một vẻ đẹp riêng cho cuốn sách, khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng trước tài năng của các tác giả.
Văn phong nhẹ nhàng, sâu lắng: Văn phong của "Mình Sinh Ra Đâu Phải Để Buồn" nhẹ nhàng, sâu lắng, như một bản nhạc du dương. Các tác giả đã khéo léo sử dụng những câu hỏi tu từ, những hình ảnh đối lập để tạo nên những đoạn văn giàu tính gợi mở. Điều này kích thích trí tưởng tượng của người đọc, giúp họ suy ngẫm về cuộc sống và bản thân.
Sự kết hợp hài hòa giữa hai phong cách: Cuốn sách là sự kết hợp của hai cây bút với hai phong cách khác nhau: Iris Cao và Hamlet Trương. Tuy nhiên, cả hai đã tạo nên một tổng thể hài hòa, thống nhất. Sự đa dạng trong phong cách đã làm phong phú thêm cho cuốn sách, mang đến cho độc giả những trải nghiệm đọc thú vị.
Một số điểm hạn chế: Tuy nhiên, cũng có những đoạn văn trong sách sử dụng quá nhiều từ ngữ hoa mỹ, làm cho câu văn trở nên rườm rà, khó hiểu. Bên cạnh đó, một số hình ảnh thơ mộng đôi khi lại quá trừu tượng, khiến người đọc khó nắm bắt ý nghĩa.
Kết luận:
"Mình Sinh Ra Đâu Phải Để Buồn" là một tác phẩm đáng đọc không chỉ bởi nội dung ý nghĩa mà còn bởi ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc. Cuốn sách đã chứng minh sức mạnh của ngôn ngữ trong việc truyền tải cảm xúc, kết nối con người với nhau.