Một khi trăn trở tôi thường viết báo. Có lúc tôi chỉ viết ra suy nghĩ, cảm xúc của tôi về một vấn đề. Cũng có lúc tôi đê xuất một số việc, giải pháp mà tôi nghĩ có thể làm, nên làm. […]. Chúng ta sống trong một thế giói chia sẻ, từ kinh tế, thông tin cho đến các giá trị khác. Chúng ta không nhất thiết phải đồng thuận về mọi thứ, nhưng sự cởi mở chia sẻ có thể giúp gợi mở cho mỗi người, cơ quan quản lý, doanh nghiệp những ý tưởng bổ ích, tiến bộ”

Đó là những chia sẻ tâm huyết và chân thật của tác giả - TS Lương Hoài Nam ở lời nói đầu của cuốn sách “Người trăn trở”. Cuốn sách là tập hợp những bài báo tâm đắc của tác giả, với sự phong phú của các lĩnh vực đề tài: từ đường sắt, hàng không, xe máy , an toàn giao thông, thi trường…và đặc biệt được quan tâm là các vấn đề giáo dục của đất nước. Những chủ đề xã hội ấy không chỉ là niềm “trăn trở” của riêng ai, mà là mỗi quan tâm chung của tất thảy những người tri thức, đắn đo và lo lắng trước vận mệnh của nước nhà.

TS Lương Hoài Nam, tác giả của cuốn sách này là một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, ông từng giữ các vị trí như Trưởng ban Kế hoạch thị trường của Viet Nam Airlines, Tổng biên tập tạp chí Heritage, Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam,… Dẫu không phải là một nhà báo chuyên nghiệp nhưng tác giả đã viết hàng chục bài về đề tài cải cách giáo dục đăng tải trên cả báo giấy, báo điện tử và mạng xã hội. “Những bài viết của anh luôn đầy ắp tư liệu, được dẫn dắt bởi tư duy mạch lạc và trình bày với văn phong trong sáng, dễ hiểu” - GS Ngô Bảo Châu.

Phần 1: Giáo dục và định mệnh quốc gia

Có thể nói, Giáo dục là một trong những chủ đề được TS Lương Hoài Nam đặc biệt quan tâm, với những bài viết giàu tính tự sư như “ Từ lũy tre làng ra biển lớn và Nhận thức về Tây học”. Tác giả nhận mình là một “sản phẩm”, một “khách hàng” và thậm chí là “cựu khách hàng” của giáo dục và từ những góc nhìn đó để chỉ ra những vấn đề hiện tại của giáo dục nước nhà. Chính nhờ kiến thức, hay hành trình đi tìm kiến thức của con người, đặc biệt là những người Châu Âu đã làm cho “trái đất trở nên nhỏ đi”. Nền giáo dục là nền tảng phát triển của mỗi con người, và nói rộng ra là của cả dân tộc. Thế nhưng, giáo dục nước ta đang phát triển ở “tầm” nào và cách người dân quan tâm đến giáo dục như thế nào?

Trong mỗi gia đình Việt Nam, không có chuyện nào được nói đến, được bàn bạc nhiều hơn chuyện học hành của con cái. Ngoài việc kiếm sống, không có chuyện nào chiếm nhiều thời gian của bố mẹ hơn chuyện học hành của con cái. Chi phí cho chuyện học hành có lẽ chỉ đứng sau chi phí ăn uống hàng ngày.

Thế nhưng thực tế những “sản phẩm” từ nền giáo dục của ta lại không đáp ứng được niềm kỳ vọng lớn lao đó. Do đâu mà năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Thái Lan, 1/15 Singapore. Lý do tại sao đến nay chúng ta vẫn bị xếp vào một trong các nước nghèo trên thế giới. Đó là một nghịch lý và một sự nhức nhối, cần được quan tâm và thay đổi thực sự khi các gia đình Việt Nam đều quan tâm đến giáo dục và chi biết bao công sức, tiền bạc cho chuyện học hành mà “chất lượng người” lại có vấn đề. Dấu mốc trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đang đến rất gần, nhưng hiện tại ta đang đứng ở đâu?

[...] tại sao Việt Nam không sản xuất nổi cái sạc pin, tai nghe, ốc vít cho điện thoại di động SamSung? Rồi tại sao không sản xuất nổi ốc vít cho cánh máy bay Boeing B777? Ốc vít chỉ là một thứ nhỏ, cụ thể, để nếu lên một câu hỏi rất lớn về khả năng nghiên cứu - phát triển, tổ chức sản xuất và phân phối các sản phẩm công nghiệp của nước ta.

Để thay đổi được vận mệnh của đất nước, tác giả cho rằng chúng ta cần phải dám nghĩ và làm khác cha ông. Và điều đó phải được thể hiện qua cải cách và chấn hưng nền giáo dục nước nhà: Đổi mới một cách toàn diện và không chắp vá.

Phần 2: Vì một nền hàng không phát triển bền vững

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, qua những bài viết, tác giả đã mang đến những tri thức, hiểu biết thực tế về tình trạng giao thông tại các sân bay nước ta. Những bài viết được đăng tải từ những năm 2008 nhưng tại thời điểm đọc cuốn sách này vẫn là những vấn đề nóng hổi, mang tính thời sự và nhận được sự quan tâm từ dư luận xã hội.

Viết về vấn đề an toàn hàng không và những trường hợp tìm kiếm, cứu hộ máy bay, tác giả đã kể câu chuyện hơn 20 năm về trước khi ông là thành viên của đội tìm kiếm trong vụ máy bay rơi ở gần Nha Trang khi chuẩn bị hạ cánh để bạn đọc thấy được rằng, công việc này vô cùng gian khó và ẩn chứa nhiều hiểm nguy, không chỉ với những người bị nạn mà còn với bản thân những người mang trong mình nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ. Do đó, chúng ta, những người đang bình yên, vô sự, hãy dành cho họ những lời nguyện cầu, thay vì sự nghi ngờ và dò xét vô căn cứ, thiếu hiểu biết ( như trường hợp chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines)

Tôi kể câu chuyện này chỉ với mục đích: tìm kiếm cứu nạn hàng không là một việc hết sức phức tạp, vất vả và nguy hiểm, mọi người cần biết điều đó. Chiếc máy bay ở sân bay thì to, chứ giữa đại dương, giữa rừng nó chỉ nhỏ như cái kim. Rồi thông tin bị nhiễu bằng những lời đồn thổi, óc tưởng tượng của một số người. Mọi tình huống phải được đặt ra, cho đến khi biết chắc chắn máy bay ở đâu.  

Ở phần này, tôi đặc biệt ấn tượng với bài viết “Chỉ có quỷ sống lẫn với người”. Những thảm họa hàng không khủng khiếp nhất đã xảy ra mà không ai có thể đoán biết trước được: vụ những máy bay khủng bố đâm thẳng vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York khiến gần 3000 người dân vô tội thiệt mạng, hơn 6000 người bị thương và thảm họa MH17. Trong khi các hãng hàng không đang nỗ lực từng ngày để khách hàng có thể thấy và cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện khi trải nghiệm dịch vụ thì sự kiện 11/9 đã xóa sạch tất cả những nỗ lực đó và đưa yếu tố an toàn lên hàng đầu. Bởi lẽ “giữa loài người còn quỷ sống lẫn”, chúng ta chưa hề có một loại máy móc nào có thể phát hiện ra và chống đỡ được thực tế đó.

Bàn về vấn đề “Việt Nam cần phát triển hàng không chung”, TS Lương Hoài Nam cho rằng “chúng ta mới biết một góc rất nhỏ của bầu trời, một phần rất nhỏ của tế giới hàng không”. Trong xu thế phát triển của khu vực và thế giới, Việt Nam nhất thiết phải quan tâm đến lĩnh vực này.

Nước ta không thể không để ý đến lĩnh vực hàng không chung, mà cần có kế hoạch, chiến lược phát triển lĩnh vực này. Bầu trời không chỉ là chủ quyền, mà còn là tài nguyên quốc gia. Các hoạt động bay càng tấp nập, giá trị đóng góp của bầy trời vào phát triển kinh tế  xã hội càng cao. […]Càng nhiều phương tiện hàng không chung với đa dạng hoạt động bay thì chủ quyền bầu trời, biển đảo của nước ta càng vững vàng.

Phần 3: Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?

Với câu hỏi được đặt ra như vậy, các chủ đề được tác giả quan tâm vô cùng phong phú: từ các vấn đề trong doanh nghiệp, đến thị trường , nợ xấu, nợ công, bất động sản, những vấn đề về thương hiệu hay cả thực tế, lối sống và cách suy nghĩ của người Việt. Qua lăng kính của một tri thức luôn “trăn trở”, bạn đọc có thể đọc và đối thoại với tác giả để tìm được câu trả lời cho riêng mình.

Thực tế cần thừa nhận rằng, nước ta là một “nước nhỏ”, điều đó không có gì đáng hổ thẹn. Tuy những mặt mạnh được kể đến như lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng đánh thằng giặc ngoại xâm không thể phủ nhận của ta, thì tiềm lực kinh tế - mặt ta còn yếu là một nhân tố vô cùng quan trọng quyết định vị thế của ta trên trường quốc tế. Chúng ta “nhỏ” vì xét ở mọi phương diện kinh tế, khoa học, giáo dục…chúng ta chưa có nhiều điểm sáng hay những đột phá được cả thế giới ghi nhận.

Viết về những cái xấu, thói xấu của người Việt, tác giả tập trung khắc họa và phê phán khả năng ngụy biện trong mỗi chúng ta.

Không ít người lấy sự nghèo để biện minh, bảo vệ sự tồn tại cho nền giao thông xe máy, nan lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm chợ “cóc”, quán “cóc”, làm chỗ giữ xe. Một số người thậm chí còn đấu tranh để những thứ không phù hợp với đô thị hiện đại, văn minh này tồn tại vĩnh viễn, bất chấp những hậu quả khủng khiếp của chúng đối với sự phát triển của xã hội loài người. 

Trong bài viết “Hoa hậu, bóng dá và nỗi nhục chẳng liên quan”, một thực trạng chung tại nước ta được chỉ rõ, người đọc sẽ thấy: lạ mà quen. Những vấn đề dễ dàng thu hút sự chú ý, quan tâm của công chúng và dư luận luôn là những vấn đề trước mắt, ngắn hạn và dễ dàng để ta có thể bày tỏ quan điểm và cảm xúc cá nhân. Trong khi những sự kiện đang âm thầm, lặng lẽ diễn ra từng ngày nhưng có sức ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế - xã hội nước nhà thì ta lại không hề hay biết.

Mỗi năm ở nước ta, trên dưới 10.000 người chết trong các vụ tai nạn giao thông, hơn 70% số vụ liên quan đến xe máy. Mỗi năm có thêm khoảng 150.000 mắc bệnh ung thư do thực phẩm bẩn, ô nhiễm nguồn nước, không khí và 85.000 - 115.000 người chết vì căn bệnh này. Tai nạn giao thông và ung thư nhiều đến nỗi trở thành điều bình thường, ít khi gây ồn ào. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân, chỉ là sự hên xui, cho nên mấy chọn này không mấy khi ồn ào như chuyện hoa hậu, bóng đá.

Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến những vấn đề như can thiệp thị trường thời bão giá, ba nút thắt “phá băng” cho bất động sản, bài toán thị trường ô tô nội địa và việc cấm xe máy cũng như hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân hay các bài viết về vấn đề thương hiệu, quảng bá du lịch nước nhà.

Kết

Cuốn sách là tập hợp những bài viết của Lương Hoài Nam rải rác trên các báo và blog. Lương Hoài Nam trăn trở chú yếu ở 3 vấn đề chính: Cải cách triệt để giáo dục; Vấn đề về giao thông vận tải, đặc biệt là ngành hàng không và chuyện nên cấm xe máy ở các thành phố lớn; Các vấn đề trong ngành du lịch. Bất luận là ngành nào, với vai trò là chuyên gia hay chỉ là một người quan tâm, trăn trở, TS Lương Hoài Nam vẫn dùng lương tâm của một người trí thức để nêu ý kiến riêng của mình. Những bài viết cũ có, mới có nhưng vẫn mang đầy tính thời sự. “Kẻ trăn trở” là một cuốn sách mở, để bạn đọc cùng suy ngẫm và bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình về những vấn đề có ảnh hưởng đến sự lớn mạnh, phát triển của đất nước. Liệu Việt Nam có theo kịp và đuổi kịp các nước trên thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đầy khốc liệt hay không. Đó không chỉ là một câu hỏi, mà còn là sự thôi thức cho mỗi chúng ta trong việc tìm ra câu trả lời và hướng đi mới mẻ, đúng đắn và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.

 

Tác giả: Mai Phương - Bookademy

-------------------------------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc tiếng Việt) về : partner.bookademy@gmail.com

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại Link htpp://www.facebook.com/bookademy.vn 

Xem thêm

"Kẻ trăn trở" không chỉ là một cuốn sách, mà còn là một hành trình tư duy cùng tác giả Lương Hoài Nam. Qua từng trang sách, tôi như được đồng hành cùng ông trên những con đường trăn trở, suy ngẫm về những vấn đề xã hội nóng hổi.

Điều làm tôi ấn tượng nhất là sự đa dạng của các chủ đề mà tác giả đề cập. Từ giáo dục, kinh tế, xã hội đến văn hóa, ông đều có những góc nhìn sâu sắc và những kiến giải riêng. Đặc biệt, những phân tích về giáo dục của Việt Nam thực sự khiến tôi phải suy ngẫm. Ông đã chỉ ra những vấn đề tồn tại từ lâu trong nền giáo dục nước nhà một cách thẳng thắn và chân thật.

Lương Hoài Nam không chỉ là một nhà quản lý tài năng, mà còn là một người có trái tim ấm áp. Những câu chuyện ông kể, những ví dụ ông đưa ra đều rất gần gũi và đời thường. Qua đó, tôi cảm nhận được một tấm lòng trăn trở vì đất nước, vì con người.

Tuy nhiên, cũng có những lúc tôi cảm thấy một số ý kiến của tác giả hơi quá khái quát hoặc mang tính chủ quan. Nhưng điều đó không làm giảm đi giá trị của cuốn sách. Bởi vì, "Kẻ trăn trở" không phải là một cuốn sách cung cấp những câu trả lời hoàn hảo, mà là một cuốn sách đặt ra những câu hỏi để chúng ta cùng nhau suy ngẫm.

“Kẻ trăn trở” là nơi mà tác giả đã bày tỏ lòng mình, là cuốn toàn thư về những đề xuất và quan điểm của TS. Lương Hoài Nam mong rằng sẽ góp phần phát triển một nước Việt Nam mới, và khi đọc cuốn sách này, tôi khẳng định: ông là người kiên định với những đề xuất của mình, đơn giản vì ông tin vào tầm nhìn và chính kiến của bản thân.

Là người có tầm nhìn sâu và một tấm lòng luôn khắc khoải, đau đáu về vận mệnh của đất nước, “Kẻ trăn trở” không đơn giản là tuyển tập các bài báo của ông từng được xuất bản, mà nó thực sự sâu sắc và nhân văn, cuốn sách trở thành nơi giãi bày tâm sự và niềm mong ước của tác giả về một đất nước Việt Nam hùng cường, bền vững.  

Đối với một đứa sinh viên như tôi, cuốn sách có vẻ đã lỗi thời, nhưng những giá trị và sự kiện xã hội của Việt Nam lúc bấy giờ là kho tàng dẫn chứng quan trọng để tôi chiêm nghiệm lại và so sánh, bên cạnh đó cuốn sách còn giúp tôi học hỏi được cách suy luận cùng tầm nhìn sâu xa của một vị Tiến sĩ…

Cuốn sách được xây nên hoàn toàn bằng các bài cáo mà ông từng viết, các bài phỏng vấn có liên quan tới ông, có thể là đôi lời kiến nghị, là một vài bức thư, là niềm trăn trở của ông tới xã hội đương thời.

Thật sự mà nói thì xã hội Việt Nam, đất nước Việt Nam sẽ chẳng thể nào tốt lên được nếu thiếu đi những trăn trở, những đề xuất, kiến nghị và quan điểm của chính công dân Việt Nam – người trực tiếp sử dụng và thực thi dưới quyền điều hành của nhà nước Việt Nam như ông Lương Hoài Nam. Rất cần và thực sự biết ơn những đóng góp của TS. Lương Hoài Nam về những gì mà ông đã làm cho nước chúng ta trong công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển.

“Kẻ trăn trở” không chỉ giúp bạn nhìn nhận lại Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 21, mà nó còn tác động đến chính con người bạn, giống như tôi. Từ cuốn sách, nó làm tôi mạnh mẽ hơn trước mọi sự biến diễn ra trong cuộc sống, tôi học được cách chống lại những bất công trước mắt mình, tôi biết lên tiếng để bảo vệ cái đúng, tôi dám nói ra những suy nghĩ của bản thân, đặc biệt hơn là tôi có thể nêu ý kiến và quan điểm của tôi trước một về trong hội nhóm, hay chất vấn với chính Giảng viên của mình. Đơn giản vì tôi cảm thấy được giải tỏa những gì mà mình muốn nói, tôi muốn “phăng” những gì khiến tôi cảm thấy chưa đúng hay “có gì đó sai sai”.

“Kẻ trăn trở” còn có nhiều hơn những vấn đề mà tôi viết ở trên, bởi lẽ tác giả là một kẻ “nhiều chuyện”. Trên đây chỉ là một vài thứ mà cuốn sách đọng lại trong tôi, hay nói cách khác là tôi có ấn tượng với nó. Tin tôi đi, khi bạn đọc nó, nó sẽ cho bạn nhiều hơn những gì mà tôi đề cập ở trên. Sẽ tốt hơn nếu bạn cùng đồng hành với một người bạn nữa để cùng đọc nó, sẽ hay hơn nếu khi gấp cuốn sách lại bạn có người để trao đổi, để bày tỏ góc nhìn của mình về cuốn sách nói riêng và tình hình xã hội Việt Nam nói chung, so sánh từ lúc cuốn sách được viết ra với thời điểm hiện tại. Đây chính là cái hay khi bạn đọc một cuốn sách cũ.

Chúc bạn sớm tìm thấy được lí tưởng sống và trách nhiệm của mình sau khi đọc Kẻ Trăn Trở!