''Thái dương hệ'' của tuổi teen có thật nhiều những hành tinh xoay quanh. Nào là bố mẹ. Nào là bạn bè, trường lớp, rồi cả chính bản thân mình nữa. Làm sao để thoát khỏi những suy nghĩ "ước gì" và trở thành một teen hạnh phúc chính hiệu, cuốn sách “Đời Thay Đổi Khi Chúng Ta Thay Đổi – Being A Happy Teenager” của tác giả Andrew Matthews sẽ mách bạn ngay.
Cuốn sách được chia làm mười hai chương với những câu chuyện nhỏ để từ đó rút ra bài học giúp những bạn – Tuổi Mới Lớn – biết cách nhìn cuộc sống xung quanh, nhìn nhận chính mình, thay đổi thái độ, đủ tự tin, để rồi bạn sẽ thấy lạc quan, yêu đời, sống thoải mái và giỏi giang hơn.
I. “Mình có bình thường không nhỉ?”
Bạn có bao giờ cảm thấy “Không ai hiểu mình”?
Bạn có bao giờ thắc mắc “Tại sao mình yêu?”
Bạn có bao giờ muốn làm hại anh hoặc chị mình?
Bạn có bao giờ hỏi “Tại sao mình phải đến trường học tất cả những kiến thức có thể không bao giờ cần đến?”
Bạn có bao giờ hỏi ‘Mình có bình thường không?”
Nếu bạn trả lời “Có” đối với một nửa những câu hỏi trên đây thì bạn tuyệt đối bình thường!
II. Tại sao cần nỗi đau?
Khi bạn đau chân, bị phồng chân là bạn đã nhận được thông điệp: hãy đổi giày khác. Nếu bạn cảm thấy đau đầu không chịu nổi thì thông điệp là bạn phải thay đổi quan điểm của mình. Khi bạn nhìn nhận sự việc khác đi, nỗi đau sẽ biến mất. Mỗi “tai họa” trong đời bạn chưa hẳn là tai họa vì hoàn cảnh có thể khiến bạn thay đổi quan điểm về việc nào đó.
III. Tôi là ai?
Mỗi khi bạn cảm thấy chán nản, hãy làm người bạn tốt nhất của chính mình. Ở chương này, Andrew Matthews đã chỉ ra cách để các bạn teen luôn cảm thấy yêu đời vào những ngày chán nản:
1. Đừng bao giờ phê phán chính mình. Hãy suy nghĩ tốt về bản thân.
2. Hãy ghi nhận những lời khen. Nếu ai đó khen bạn thì hãy nhận lời khen như một món quà.
3. Khen người khác nhiều hơn. Có một giai thoại rằng nếu bạn khen người khác nhiều thì họ sẽ trở nên vĩ đại còn bạn thì thấy mình kém cỏi hơn. Thật ra thì bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
4. Hãy tách rời những hành vi của bạn ra khỏi bản thân. Khi bạn mắc sai lầm thì nên nói: “Tôi làm sai” chứ đừng bao giờ nói “Tôi thật chẳng ra gì.”
5. Nên dành nhiều thời gian với những người tích cực.
6. Hình dung thường xuyên điều mà bạn muốn làm. Nếu bạn cho là mình muốn trở nên tự tin, hạnh phúc và thành công, bạn sẽ được như thế. Đó là quy luật của tinh thần.
7. Bạn cần những ý tưởng tốt giống như cần thức ăn ngon mỗi ngày. Học làm người là một quá trình lâu dài. Có hàng trăm quyển sách bày cách cải thiện trí nhớ, được an toàn hơn về tài chính, phát triển lòng tự tin, học cách làm bạn, v.v… Tất cả chúng ta cần những liều thông tin đều đặn về lĩnh vực này.
IV. Tại sao bố mẹ cư xử kỳ cục như thế?
Bố mẹ có thể làm bạn khó chịu, nhưng thường là vì họ quá yêu thương bạn. Không ai trong chúng ta hoàn hảo cả. Tại sao bạn mong đợi bố mẹ mình hoàn hảo? Và nếu bạn từng thắc mắc “Sao bố mẹ chán ngắt thế nhỉ?” Là vì phải lo lắng những điều nghe đến cũng thấy chán ngắt rồi, ví dụ như: duy trì công việc, thanh toán tiền mua xe trả góp hàng tháng, trả bảo hiểm xe, tiền xăng, trả tiền sửa chữa nhà, bảo hiểm, thanh toán hóa đơn điện, nước, gas, điện thoại, kênh truyền hình, tiền học cho con, áo quần cho cả nhà, và hàng trăm thứ khác nữa.
Bố mẹ có thể vô lý, đòi hỏi, không bao giờ hài lòng và lạc hậu. Có thể bạn cho là rất khó quan hệ tốt với bố mẹ. Nhưng nếu bạn muốn cải thiện tình hình thì hãy áp dụng điều mà tác giả đã đưa ra: Bố mẹ thích nhất được nghe con mình nói lời “Cảm ơn”. Bạn sẽ làm cho cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn đấy.
V. Bạn bè
Mỗi ngày chúng ta bị ảnh hưởng bởi người khác và thái độ của họ. Có những thời điểm bạn cần giao du với những người thàng công – người bi quan sẽ kéo bạn xuống mà bạn không hề biết điều đó đang xảy ra.
Nhưng cũng đừng nên tha thiết họ quá. Bạn không nên trong đợi người khác sẽ làm bạn hạnh phúc. Nếu bạn muốn một cuộc sống hạnh phúc và xung quanh bạn là những người hạnh phúc, trước tiên bạn phải là người hạnh phúc đã. Bạn không cần lúc nào cũng giải thích hoặc chứng minh lí do tại sao bạn làm việc này, việc kia với họ. Nếu bạn đang gặp rắc rối và muốn chia sẻ với một người bạn, tốt thôi. Nhưng phải biết giới hạn. Đôi khi chỉ cần biết lúc nào nên ngậm miệng là đủ.
VI. Trường học
Khi bạn ra trường, bạn có thể không bao giờ cần biết về phương trình bậc hai nữa. Nhưng học tập không chỉ để tiếp nhận kiến thức. Tác giả đã chỉ rõ ra những điều trường học có thể giúp bạn ngoài việc tiếp nhận kiến thức:
- Tìm hiểu xem điều gì làm bạn quan tâm. Bằng cách học nhiều môn từ địa lý, vật lý, vi tính, toán học, văn chương v.v… bạn sẽ biết được mình thích môn nào và không thích môn nào.
- Học cách làm việc. Có thể bạn không thích môn toán nhưng bạn sẽ sử dụng những logic tương tự như khi giải các phương trình hoặc bài tập hình học để giải quyết các vấn đề khác trong cuộc sống. Đây là việc mài giũa và rèn luyện trí óc của bạn.
- Phát triển lòng tự tin. Bạn có thể học tiếng Pháp ở trường và không bao giờ sử dụng nhưng bạn sẽ chứng minh được là mình có thể học ngoại ngữ.
- Thử thách chính mình. Hãy tưởng tượng giáo viên toán bảo bạn “Hôm nay chúng ta giải một bài toán đơn giản và nhẹ nhàng. Thầy cho các em ba giờ để làm bài tập này.” Rồi viết lên bảng: 2 x 3 =… Các bạn có thể sẽ nói: “Quả là một sự sỉ nhục. Thầy cho chúng em bài khác khó hơn đi!”
- Giúp chúng ta nhận ra rằng: Khi thực sự muốn và cố gắng điều gì đó, ta nhất định sẽ làm được. Bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn khi bạn đã làm hết sức mình. Không phải công việc khác nhau tạo nên sự khác biệt mà chính thái độ của bạn làm nên điều đó.
VII. Trí tuệ kì diệu của bạn.
Các chương trình cá nhân sẽ làm cho chúng ta cư xử một cách tự động theo khuynh hướng lặp đi lặp lại những hành vi nào đó không hề suy nghĩ. Một số người lúc nào cũng mất tiền hoặc mắc bệnh vào thời gian nào đó, luôn đến trễ hoặc lúc nào cũng gặp phiền toái. Chính chương trình trong tiềm thức đã khiến cho những hành động đó cứ lặp đi lặp lại.
Muốn hiểu được những chương trình này thì chúng ta phải tìm hiểu thêm về tiềm thức của mình. Vậy làm sao để giết chết những con quái vật đó?
Vậy cách tốt nhất để hình dung hoặc chiếu lên những hình ảnh tinh thần của mình là gì? Tác giả Andrew đã hướng dẫn bạn đọc một kỹ thuật để đầu óc bạn được thư giãn trước một trận đấu hay kì thi hoặc đơn giản là chỉ để cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn có thay đổi chút kỹ thuật này cũng không sao.
1. Tìm cho mình một chỗ ngồi thoải mái và nhắm mắt, buông lỏng chân tay.
2. Hít thở sâu vài hơi. Hít vào trong tám nhịp và thở ra cũng trong tám nhịp. Làm khoảng mười lần.
3. Hãy tưởng tượng các cơ mặt thư giãn… Khi bạn tiếp tục thở sâu và đều đặn, hãy cảm nhận các cơ nhỏ xung quanh mắt. Trong khi thở, bạn cứ hình dung ra các cơ này. Tương tự với trán và chân mày. Khi thư giãn, bạn sẽ cảm nhận từng phần thân thể từ trên xuống dưới, từ trán đến má, miệng, cằm, cổ, vai, đến bắp chân, mắt cá và cuối cùng là ngón chân.
4. Hãy tưởng tượng bạn đang đi xuống một cầu thang gồm 20 nấc… 20, 19, 18 đến 1. Tưởng tượng bạn đang đứng trước một cánh cửa, mở cửa ra và bước vào một cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp.
5. Bây giờ bạn đang ở trong một cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp. Chọn một cảnh bạn đã từng đến hoặc tưởng tượng ra một cảnh nào đó.
Trong thời gian thư giãn, hãy thực hành hình dung những hình ảnh tinh thần. Bạn càng sử dụng kỹ thuật này nhiều lần thì càng thấy dễ.
VIII. Hạnh phúc
Hãy tìm những lý do để sống hạnh phúc và bạn sẽ tìm thấy được ngay. Muốn tìm những lý do để sống bất hạnh, chúng cũng rất dễ tìm. Bạn sẽ luôn có được điều bạn muốn tìm kiếm. Thế giới bên ngoài là một bức tranh phản ánh cảm giác bên trong bạn, đó là lý do tại sao bạn không thể giải quyết vấn đề nếu chỉ tập trung vào thế giới bên ngoài.
Và nếu bạn thật sự muốn hạnh phúc thì nên nuôi dưỡng cảm giác biết ơn, bạn nhé!
IX. Những quy luật của cuộc sống
Khi đọc chương này, bạn sẽ thấm thía hơn những bài học của cuộc sống dù nó rất đơn giản, chẳng hạn như quy luật gieo hạt: Không phải tất cả các hạt giống đều cho kết quả tốt, nếu bạn thật sự muốn gặt hái được kết quả, tốt hơn bạn nên gieo nhiều hạt. Bạn phải đi phỏng vấn tại mười công ty thì mới tìm được một việc làm. Bạn phải gặp trăm người bạn mới chọn được một người bạn tâm giao. Ngoài ra, quy luật này cũng cho thấy Nỗ lực + Kiên nhẫn = Kết quả.
Hay như một nguyên tắc rất hiển nhiên: Khi bạn giỏi hơn, trò chơi sẽ khó hơn. Cuộc sống là một quá trình tiến triển dần dần. Nó thưởng cho nỗ lực chứ không phải sự thoái thác.
Một trong những điều tâm làm mình tâm đắc nhất trong chương này là: Mọi điều đều kết nối với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau! Khi bạn học tập chăm chỉ hơn ở trường, bạn cảm thấy hạnh phúc hơn khi về nhà. Khi bạn vui vẻ với mọi người ở nhà, bạn cảm thấy hạnh phúc hơn khi đến trường. Vì vậy, muốn cải thiện đời mình, bạn có thể bắt đầu từ bất kỳ con đường tích cực nào.
Đây cũng là chương mà mình thích nhất trong cuốn sách này.
X. Chiến lược của bạn
Cuộc sống diễn ra tốt đẹp hơn khi bạn kiểm soát được tình hình. Phần này sẽ giúp ích cho bạn ít nhiều trong cuộc sống khi truyền đạt những bí quyết làm chủ mọi sự việc nhé!
XI. Họ nói: “Thế cậu bảo tôi phải làm gì?”
Chuyện này có bao giờ xảy ra với bạn chưa? Bạn đến thăm một người bạn và hỏi: “Hôm nay cậu làm gì?”
Và họ nói: “Chẳng làm gì cả.”
Bạn lại nói: “Vậy ngày hôm qua cậu làm gì?”
Nhưng họ nói: “Chẳng làm gì cả.”
Giận quá bạn nói: “Thế cậu định làm gì trong suốt quãng đời còn lại?”
Gặp những người như thế bạn thấy thế nào? Thật chán! Nếu bạn muốn đời mình trôi qua vô nghĩa, thì cứ ở không như thế - không làm gì, chẳng đi đâu. Bạn sẽ làm cho chính mình và những người xung quanh chán đến chết! Hãy đặt ra mục tiêu không phải để đạt được cái gì mà để trở thành người như thế nào.
Điều thú vị khi bạn đặt ra mục tiêu là: Giả sử bạn thích ban nhạc Rock. Vì thế bạn và một vài người bạn quyết định lập một ban nhạc nhỏ. Bạn có mục tiêu chơi nhạc, nhưng bạn sẽ học được nhiều điều không chỉ về nhạc. Bạn có thể học được cách dành dụm tiền, cách tổ chức nhân sự trong ban nhạc, bạn cũng sẽ học về điện tử và thậm chí bạn học được về tiếp thị, kinh doanh.
Bất kỳ lúc nào bạn định thực hiện một mục tiêu, dù đó là tạo một website, hay dành dụm một ngàn đô, nó sẽ đưa bạn đến những nơi hoặc những điều bạn không bao giờ mơ tới. Đó là lý do tại sao chúng ta đặt mục tiêu cho chính mình – nhằm thay đổi cuộc đời.
XII. Sao không là bạn?
Không ai sinh ra cũng có sẵn phép màu để trở thành người giàu hoặc thành công! Chúa không từ trên trời bước xuống và nói: “Đến lượt con đấy!” Ông ta không nói: “Con làm được,” hoặc “Con không làm được.”
Kết
Lời tác giả: Cuộc sống là một quá trình tạo dựng. Mỗi ngày đều có ý nghĩa.
Đọc “Đời Thay Đổi Khi Chúng Ta Thay Đổi – Being A Happy Teenager” – bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một quyển sách “dạy đời” lại hay, vui và gần gũi “đúng ý” mình đến thế! Bên cạnh đó thì một điểm nhất định phải nhắc tới vì nó làm bộ sách này khác hẳn với các sách self-help khác mình từng đọc đó là cứ với mỗi chia sẻ lại có một ảnh minh họa rất hài hước, đáng yêu và thể hiện gần như trọn vẹn điều mà tác giả đang chia sẻ. Hy vọng khi gấp sách lại, bạn sẽ tìm được điều hữu ích cho bản thân. Cuốn sách này sẽ là một hành trang không nên thiếu trong bước đường trở thành người lớn của những bạn tuổi teen nhé!
Review chi tiết bởi Excelsior - Bookademy
Deal sách giá tốt hiện tại: https://goo.gl/Nyqyey
------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
Mối quan hệ tốt đẹp là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên hạnh phúc. Cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè và người thân.
Tác giả cung cấp những lời khuyên thiết thực về cách xây dựng và duy trì các mối quan hệ, như cách giao tiếp, cách lắng nghe, cách thấu hiểu và cách chia sẻ. Bạn sẽ học được cách xây dựng những mối quan hệ lành mạnh, tạo dựng sự kết nối và nhận được sự hỗ trợ từ những người xung quanh.