“Vấp ngã ư? Chẳng vấn đề.Dù thế nào ta vẫn có thể đứng lên.Lúc vấp ngã hãy ngước lên nhìn trời kia.Bầu trời xanh bao la ngút ngàn tầm mắt.Có thấy nó đang mỉm cười với bạn không?Bạn đang còn sống.”
Được sống, là một điều thật tuyệt, bạn nhỉ?
Có lẽ không ít bạn đã từng nghe đến hoặc xem “Một lít nước mắt” – một trong những bộ phim đã làm rung động hàng triệu trái tim của biết bao người dân Nhật Bản và trên toàn thế giới. “Một lít nước mắt” được chuyển thể từ tự truyện đầy xúc động của cô bé Kito Aya, người hàng ngày phải chống chọi với căn bệnh “thoái hóa dây thần kinh tiểu não” quái ác. Chỉ 12 tập phim ngắn ngủi nhưng đó là cả một hành trình đấu tranh nội tâm can trường của Kito Aya. Đau đớn nhưng vẫn lạc quan, luôn mang khát vọng sống mãnh liệt và muốn khẳng định sự tồn tại của mình.
Với cốt truyện như thế “Một lít nước mắt” đích thị là một bộ phim buồn, buồn từ đầu đến cuối, chẳng hề có những lời thoại dí dỏm hay những phân cảnh siêu lãng mạn. Vậy điều gì khiến “Một lít nước mắt” lại có sức hút mạnh mẽ đến như thế? Phần đông khán giả xúc động vì hoàn cảnh éo le của một cô bé mới chỉ mười lăm tuổi – lứa tuổi mộng mơ đẹp nhất trong cuộc đời lại chợt nhận ra định mệnh đã đóng sập cánh cửa tương lai ngay trước mặt mình. Một bộ phận khán giả lại chẳng thể kiếm được nước mắt rơi trước ý chí kiên cường không chịu chấp nhận bệnh tật làm mình gục ngã mà vẫn cố gắng vươn lên, chống chọi lại số phận. Trên quan điểm cá nhân tôi, ngoài hai yếu tố trên, còn một điểm khiến tôi, một kẻ cực kì ghét xem bi kịch, vẫn quyết tâm xem đến hết bộ phim đầy cảm xúc này, đó chính là: Sự bình dị và chân thực đến lạ lùng.
Là một người nhạy cảm và mau nước mắt, tôi đã khóc ngay khi bắt đầu xem phim trong khi hầu hết những khán giả khác nói rằng họ chỉ khóc khi xem phim về đoạn cuối. Tôi khóc, đôi khi chỉ vì ánh nhìn đau đáu, chất chưa đau thương của bà Shioka trước nỗi đau tột cùng của một người mẹ biết chắc đứa con bé bỏng đang dần rời xa mình…Tôi khóc, đôi khi chỉ vì thấy ông Mizuo cố gắng giành thời gian ở bên con gái, kể những câu chuyện vui, động viên cô để mong nụ cười ấy mãi rạng ngời trên môi cô. Tôi khóc, đôi khi chỉ vì cậu em trai Hirokia dù mang đôi giày mòn vẹt nhưng vẫn chẳng hề xin mẹ tiền mua đôi giày mới bởi ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Và tôi khóc, đôi khi chỉ vì chứng kiến hình ảnh người con gái mỏng manh ấy từ một học sinh giỏi, năng nổ, từng đứng ở vị trí nhạc trưởng cho ban nhạc của trường, là gương mặt bóng rổ xuất sắc…, dần dần không còn làm được gì: từ việc đi đứng bình thường, viết bình thường cho đến ăn nói như người bình thường.
Giống như Aya đã từng khóc và hỏi mẹ, tôi cũng không thể hiểu được tại sao ông trời lại bất công đến thế, “Tại sao căn bệnh này lại chọn con” – một cô bé dễ thương và khao khát sống mãnh liệt. Chẳng hề giống với những bạn trẻ vừa mới gặp chút thất bại, bị người yêu bỏ rơi đã chọn cái chết để giải thoát bản thân mình, Aya yêu cuộc sống này biết bao. Cô yêu gian hàng đậu phụ nhỏ của gia đình, yêu những ngày bắt xe bus đến trường, thậm chí cô yêu cả tiếng gỗ kêu cót két ở hành lang mỗi khi có người bước qua… Cũng như bạn bè mình, Aya có cho riêng mình biết bao mơ ước về tương lai, cô sẽ thi vào ngành đại học mình thích, kết hôn với người mình yêu thương. Ước mơ đơn giản vậy thôi, sẽ chẳng quá khó để Aya có thể hoàn thành giấc mơ ấy nếu cô không mắc phải căn bệnh quái ác ấy. Tuy nhiên, hiện thực lại quá phũ phàng và bất công với Aya, chữ “nếu” ấy đã chẳng thể xảy ra. Những kí ức quen thuộc, ước mơ bình dị kia, qua từng trang nhật kí của Aya, lại như một mũi kim, tuy nhỏ bé nhưng lại xoáy tận vào tim cô bé, khiến cô biết bao lần muốn gục ngã trước những cơn bào mòn thể xác do bệnh tật…
Xuyên suốt mười một tập phim, chỉ là những điều giản dị, bình thường như vậy đấy. Từ con ngõ nhỏ nhà Aya, từ con đường rợp bóng cây mà cô hàng ngày vẫn đến trường cho đến sân tập bóng rổ văng vẳng tiếng đập bóng vang vọng khắp không gian, thật gần nhưng cũng như rất xa… Còn Aya, trước khi là một tấm gương sáng dám dũng cảm vượt lên số phận, thì cô vẫn chỉ là một cô nữ sinh yếu đuổi, mong manh. Đằng sau nụ cười tỏa nắng đầy nghị lực ấy, là biết bao những giọt lệ cay đắng, tủi hờn. Người ta nói, nước mắt là biểu hiện của sự ủy mị, yếu đuối, song với riêng người con gái này, tôi lại nhìn thấy điều ngược lại. Vậy nên, Aya khóc, đó là chuyện vô cùng hiển nhiên, chứng tỏ cô là một người vô cùng bình thường…Tuy khóc nhưng chỉ cần còn sống một giây, một phút, Aya vẫn tin vào bản thân mình. Bởi cuộc đời lắm chông gai, thử thách, nếu con người không vững tin vào chính mình thì chỉ thấy khổ đau, tuyệt vọng. Biết trước cuộc đời ngắn ngủi nên cớ gì không sống vui tươi một chút! Biết đâu sau những giọt nước mắt kia, Aya sẽ tìm được hạnh phúc cho bản thân mình, dù đó là điều xa vời lắm, khó khăn lắm! Mọi điều ấy đều có thể khiến nước mắt chúng ta rơi xuống và ngầm nhắc nhở ta rằng hạnh phúc vì chúng ta đang sống và hãy quý trọng cuộc sống mà chúng ta đang có.
Khép lại những giây phút cuối cùng của bộ phim, trong đầu tôi vẫn còn luyến lưu hình ảnh Kito Aya với nụ cười nhẹ nhàng trên môi, ánh mắt trong veo hướng về một chân trời xa xăm. Không thoát khỏi quy luật của cuộc sống, vào một ngày nọ, Aya đã không thể nhìn thấy bầu trời xanh trước mắt nữa. Tôi nhận ra, mắt mình vẫn nhòa lệ tận đến những giây phút cuối cùng. Thế nhưng, khi thấy hình ảnh cô mặc đồng phục học sinh ném bóng vào rổ, và nở một nụ cười vô cùng rạng rỡ giữa cõi mơ hồ, tôi chợt mỉm cười… Ở nơi đó, trên bầu trời cao xanh yên bình kia… cô đã không còn khóc nữa, đúng không?
Kito Aya – cái tên chỉ còn là ký ức nhưng mãi mãi hiện hữu trong tâm hồn của những ai đã và đang xem bộ phim này, bởi niềm tin yêu cuộc sống mãnh liệt của cô. Và tôi, cũng phải thay đổi thôi, trân trọng cuộc sống này, sống thật tốt, không bao giờ được gục ngã, để chẳng phải hối tiếc về thời gian đã qua đi!
Nguồn: vnwriter.net
---------
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: partner.bookademy@gmail.com
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sáchhaytạilink:https://www.facebook.com/bookademy.vn
“Tại sao căn bệnh này lại chọn tôi? Nhưng dù có đau đớn thế nào, tôi vẫn muốn sống.” Cuốn sách này thực sự đã truyền đến cho mình niềm cảm hứng rất mạnh mẽ. Aya, một cô bé chỉ mới 15 tuổi, mắc bệnh Thoái hoá tiểu não. Lâu dần, căn bệnh này càng phát triển khiến Aya không còn khả năng đi đứng, kiểm soát bản thân. Tất nhiên trong hoàn cảnh ấy, Aya đã cảm thấy rất tuyệt vọng và đau đớn. Cô cảm thấy như thế giới trước mắt cô dần dà sụp đổ. Thế nhưng không đợi lâu, Aya đã vực dậy và niềm khát khao được sống trong cô mãnh liệt như ngọn lửa lần đầu được nhen nhóm. Niềm hi vọng ấy giữ mãi đến khi cô qua đời. Tác phẩm đã để lại những thông điệp ý nghĩa về giá trị của việc sống.